Nằm ở vị trí trung tâm Hà Nội, Hồ Gươm - hay còn được gọi là hồ Hoàn Kiếm được tất cả mọi người xem như biểu tượng của Thủ đô. Dòng nước xanh lục đặc trưng, tháp Rùa đứng sừng sững giữa hồ hàng chục thế kỷ, đền Ngọc Sơn cổ kính in bóng giữa làn nước, cầu Thê Húc sơn son bắc ngang bờ... Bất cứ ai từng đến thăm hồ Gươm đều không thể quên được những hình ảnh đẹp đến yên bình này.
Theo nhận định của GS.TS Mai Đình Yên, Hồ Gươm không chỉ có ý nghĩa đặc biệt về tinh thần, văn hóa và lịch sử, mà hệ sinh thái của hồ cũng rất đặc biệt, không nơi nào có được. Tuy nhiên, sau nhiều năm, hồ đã có dấu hiệu ô nhiễm nặng nề và cần được làm sạch, nạo vét để trả lại sự trong sạch cho nước hồ. Mới đây, TP Hà Nội cũng đã có chủ chương tiến hành nạo vét bùn đáy hồ, cải tạo lại môi trường nước. Nhưng phương án thực hiện thế nào thì vẫn đang được bàn tính kỹ bởi quá trình nạo vét có thể sẽ ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái hàng trăm năm của hồ.
Trong tâm trí người Hà Nội, Hồ Gươm đã được xem như một nhân chứng lịch sử với bề dày trầm tích văn hóa. Không rõ hồ được tạo nên từ khi nào, nhưng câu chuyện vua Lê Lợi trả kiếm cho rùa thần thì bất cứ ai nào cũng từng được nghe kể. Đằng sau câu chuyện ấy là cả một ý nghĩa nhân văn vô cùng to lớn, thể hiện bản tính lương thiện và tinh thần khát vọng hòa bình của người Việt Nam.
TS. Nguyễn Thị Hồng - giảng viên nghiên cứu Văn hóa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - chia sẻ: "Theo tôi, việc Hà Nội được thế giới công nhận là thành phố hòa bình cũng có một phần vì Hồ Gươm. Cái tên Hồ Hoàn Kiếm chính là để nhắc đến truyền thuyết vua Lê Lợi trả kiếm cho rùa thần nhưng ít ai biết ý nghĩa thực sự của hình ảnh này. Hành động trả kiếm cùng hình ảnh tháp bút viết lên trời xanh minh chứng cho việc gác lại binh đao để xây dựng đất nước ấm no, hạnh phúc, không còn chiến tranh. Điều này thể hiện cho sự khát vọng hòa bình của người dân Việt Nam".
Cũng theo TS. Nguyễn Thị Hồng, hồ Gươm không chỉ mang ý nghĩa văn hóa và lịch sử mà đối với người dân Hà Nội, hồ Gươm còn mang ý nghĩa tâm linh vô cùng to lớn. "Hồ Gươm được xem là trung tâm của Hà Nội, là nơi tề tựu đầy đủ linh khí của trời đất. Không khó hiểu vì sao vào mỗi dịp giao thừa, đầu năm mới, người người lại đổ về Hồ Gươm để tận hưởng không khí giao thoa của đất trời. Ý nghĩa tên của cầu Thê Húc là "ngưng tụ hào quang". Nếu chúng ta chú ý, sẽ thấy cầu Thê Húc luôn nhận được ánh sáng mặt trời ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày, đặc biệt là buổi sáng, cầu Thê Húc sẽ có màu lóng lánh rất đẹp".
Hồ Gươm trong mắt người Việt Nam còn là một minh chứng lịch sử khi đã chứng kiến những thăng trầm của đất nước. Nằm giữa lòng Hà Nội, hồ Gươm vẫn giữ được vẻ yên bình giữa phố xá ồn ào. Bởi lẽ, vẫn luôn có những người tìm đến Hồ Gươm để dạo chơi hay ngồi ghế đá hàn huyên tâm sự, nhìn ngắm mặt hồ xanh mát mắt. Khi Hồ Gươm đã trở thành một phần không thể thiếu đối với người dân Thủ đô thì việc gìn giữ hồ cũng chính là điều mà mọi người quan tâm nhất.
Nói về việc nạo vét bùn, cải tạo hồ Gươm, TS. Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Chúng tôi ủng hộ việc cải tạo, nạo vét hồ Gươm. Đây là điều nên làm để có thể trả lại một viên ngọc xanh đẹp đẽ, hiếm có cho Hà Nội. Nếu chúng ta không gìn giữ, không bảo vệ thì sẽ không thể khiến Hồ Gươm trường tồn. Nhưng thực hiện như thế nào để bảo tồn được những giá trị nhân văn của Hồ Gươm thì cần các nhà khoa học nghiên cứu một cách toàn vẹn nhất".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!