Với những ưu đãi từ thiên nhiên, các đặc điểm đa dạng về cấu trúc địa hình đồi núi, hang động, mặt nước đã tạo cho Hoà Bình sự độc đáo về cảnh quan và hệ sinh thái. Vùng hồ sông Ðà với diện tích mặt nước khoảng 9.000 ha, được ví như "Vịnh Hạ Long trên cạn".
Bên cạnh đó, với không gian nông nghiệp rộng lớn, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ lệ trong cơ cấu kinh tế khoảng 15%. Dư địa phát triển du lịch nông nghiệp của tỉnh là rất lớn. Nhiều nhà đầu tư đang đầu tư du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng. Khai thác các yếu tố đặc trưng về khí hậu trong lành, tài nguyên thiên nhiên và những nét đặc sắc văn hóa địa phương.
Hòa Bình còn nhiều dư địa phát triển du lịch
Hòa Bình còn được mệnh danh là "miền đất sử thi", cái nôi của nền "Văn hóa Hòa Bình" nổi danh trong lịch sử thế giới, vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa. Với 267 di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường đã được kiểm kê; 73 lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm; 101 di tích được xếp hạng. Trong đó, Lễ hội Khai Hạ dân tộc Mường Hòa Bình được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2022.
Tỉnh Hòa Bình hiện có gần 500 cơ sở lưu trú đã được đưa vào khai thác, xây dựng được 10 bản du lịch cộng đồng dân tộc, thu hút được nhiều du khách đến trải nghiệm. 10 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách du lịch tới Hòa Bình đạt gần 4 triệu lượt, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu đạt 4 nghìn tỷ đồng.
Với những tiềm năng, lợi thế từ thiên nhiên tới bản sắc văn hóa, Hòa Bình đang mong muốn được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư phát triển các loại hình du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn du khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!