Những vật liệu thân thiện với môi trường dần được thay thế cho đồ nhựa một lần.
Quảng Nam được coi là địa phương tiêu biểu và tiên phong trong phát triển du lịch xanh với nỗ lực trở thành trung tâm du lịch xanh của cả nước, thông qua các hoạt động về bảo môi trường sinh thái, hạn chế phát thải và ưu tiên sử dụng sản phẩm tái chế. Đến nay, tỉnh đã ban hành Bộ Tiêu chí du lịch xanh, triển khai mô hình "Trạm đong đầy" - một giải pháp mua sắm không phát sinh bao bì, gia tăng vòng đời của rác. Tháng 3 vừa qua, Quảng Nam tổ chức sự kiện "Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024", thể hiện cam kết mạnh mẽ bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển bền vững.
Khách sạn "không rác thải nhựa" đầu tiên ở Việt Nam vừa đạt chứng nhận du lịch bền vững quốc tế
Niềm tự hào trong hành trình hướng đến du lịch xanh của Hội An là Silk Sense Hoi An River Resort - khu nghỉ dưỡng được công nhận là "khách sạn không rác thải nhựa" đầu tiên của Việt Nam vào tháng 9/2023. Đặc biệt, ngày 15/8 mới đây, khách sạn này đã chính thức nhận được Chứng nhận "Travelife Gold for Accommodation Sustainability" từ Tổ chức quốc tế về Du lịch Bền vững Travelife.
Các hạng mục mà Silk Sense Hoi An River Resort đạt được bao gồm: Giảm thiểu các tác động môi trường; Cải thiện các tác động kinh tế và xã hội cho cộng đồng xung quanh; Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, thực hành lao động công bằng; Bảo vệ phúc lợi động vật và đa dạng sinh học.
Để đạt được chứng chỉ quốc tế về phát triển bền vững, Silk Sense Hoi An River Resort đã hoàn thiện 154 hạng mục yêu cầu theo Tiêu chuẩn liên quan đến các đề mục: quản lý bền vững, quản lý môi trường và con người. Đây không chỉ là thành tựu của riêng resort mà còn là minh chứng cho khả năng của các doanh nghiệp tại Việt Nam trong việc đạt được các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất về phát triển bền vững.
Khách sạn chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Hội An thông qua các hoạt động trải nghiệm văn hóa, ẩm thực và lễ hội.
Nếu như trước 2019, mỗi ngày khách sạn thải ra môi trường 100 - 150 chai nhựa, thì sau 2019, nơi đây không thải ra bất cứ chai nhựa nào ra môi trường. Đó là nhờ việc xây dựng một hệ thống lọc nước điện giải ion kiềm, đóng nước mới và đong đầy khi hết vào chai thủy tinh cho tất cả các phòng nghỉ, hội nghị.
Mới đây, khách sạn tiếp tục đầu tư máy ủ rác hữu cơ (rau củ, vỏ trái cây, vỏ trứng, lá cây, thức ăn thừa…) thành phân bón trong 24h, giúp xử lý toàn bộ rác hữu cơ trong toàn khách sạn. Số phân bón giàu dinh dưỡng lại được dùng để chăm sóc vườn rau sạch cung cấp cho bếp ăn.
Chiếc máy có khả năng biến rác hữu cơ thành phân bón chỉ trong 24h.
Thông tin thêm từ khách sạn cho biết, tất cả các bộ phận của khách sạn từ buồng phòng, F&B đến nhà bếp, văn phòng đều phải phân loại rác. Nếu nhóm nào phát sinh nhiều rác thì phải giải trình. Từ đó, toàn bộ nhân sự trong khách sạn đều có ý thức về việc giảm thiểu tối đa rác thải ra môi trường.
Nhà bếp có 5 thùng rác để phân loại giúp việc xử lý rác dễ dàng, hiệu quả.
Thí điểm mô hình thu phí rác theo khối lượng phát thải
Phụ nữ là đối tượng chủ chốt trong việc tạo ra rác vì đảm nhiệm việc mua sắm, đi chợ trong gia đình, nhưng cũng là chìa khóa cho việc xử lý rác. Thế nên Hội Phụ nữ TP. Hội An xác định cần làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của chị em phụ nữ. Đặc biệt nếu trẻ em có ý thức từ sớm thì lớn lên sẽ trở thành người biết bảo vệ môi trường.
Sau thành công trong việc đưa quy định phân loại rác tại nhà thành nếp sống của người Hội An, địa phương này đang thí điểm mô hình thu phí rác theo khối lượng phát thải bằng cách bán túi đựng rác. Hơn 450 hộ dân trên đường Nguyễn Tri Phương, phường Cẩm An là những gia đình đầu tiên trên cả nước thí điểm mô hình tính tiền rác bằng thể tích, cân nặng thông qua túi nilon. Thay vì các hộ gia đình đóng 30 ngàn đồng phí vệ sinh hằng tháng, thì nay, họ chuyển sang mua 16 túi nilon với thể tích 10 lít, 6 túi loại 15 lít và 4 túi loại 20 lít về đựng rác. Rác thải vẫn phải được phân loại vô cơ và hữu cơ ngay tại nhà.
Mô hình tính tiền rác theo thể tích đang được thí điểm tại phường Cẩm An, với sự đồng thuận ngày càng cao từ cộng đồng.
Theo Luật môi trường sửa đổi, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Chậm nhất đến cuối năm nay, các địa phương sẽ phải triển khai nhưng đến nay, ngoài đô thị cổ Hội An, chưa có địa phương nào thí điểm mô hình thu phí rác kiểu mới này.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An chia sẻ: "Thu phí rác theo khối lượng thì người dân phát thải ít nộp tiền ít, hộ nào phát thải nhiều sẽ phải nộp tiền nhiều, điều đó hướng đến sự công bằng."
Trung bình mỗi ngày Hội An có 100 tấn rác thải sinh hoạt. Trong khi nhiều nhà hàng, quán cà phê đã chuyển sang dùng các vật liệu bằng thủy tinh, giấy, tre,…để loại bỏ toàn bộ đồ nhựa một lần, thì vẫn còn một số cơ sở kinh doanh chưa đồng lòng, đồng sức.
Bà Ngô Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hội An bộc bạch: "Một số quán cà phê dùng quá nhiều cốc nhựa một lần, kể cả khi khách ngồi tại chỗ. Chúng tôi mong muốn Ủy ban sẽ có động thái mạnh mẽ hơn để những doanh nghiệp khi đến đây kinh doanh phải tuân thủ theo văn hóa, lối sống của Hội An, cùng chung tay với thành phố phát triển du lịch bền vững."
Sắp tới, Hội Phụ nữ sẽ vận động các tiểu thương ở Chợ Hội An, đặc biệt ngành hàng may mặc và quà lưu niệm chuyển từ túi nilon qua túi giấy. Dẫu mới đầu người dân còn bỡ ngỡ trong việc hạn chế xả rác, chủ động phân loại rác, thì đến hiện tại, họ đã cảm thấy rất vui và phấn khởi khi làm công việc này, vì đó là cách để góp phần giúp Hội An trở nên xanh, sạch, đẹp, để cuộc sống của mình và con cháu khỏe mạnh, vững chãi hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!