Kế hoạch phát triển bản thân - Chìa khóa của thành công

P.V-Thứ ba, ngày 15/10/2019 12:05 GMT+7

Chuyên gia Geoff Sokol thường xuyên tư vấn và chia sẻ kiến thức cho bạn trẻ tại Việt Nam

VTV.vn - Là một chuyên gia tư vấn giáo dục, Geoff Sokol không chỉ trực tiếp giảng dạy tiếng Anh mà đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích dành cho các bạn trẻ.

Anh thường xuyên đưa ra những lời khuyên giúp bạn trẻ Việt rèn luyện kỹ năng tiếng Anh, giao lưu với bạn bè quốc tế, tìm kiếm học bổng và cơ hội làm việc ở nước ngoài; thông qua những video song ngữ trên trang Facebook và Youtube mang tên Mackington.

Nhiều clip tư vấn của Geoff đã thu hút hàng chục, hàng trăm ngàn lượt xem. Mới đây, Geoff đã chia sẻ một clip nói về chủ đề được nhiều bạn trẻ Việt quan tâm: Kế hoạch phát triển bản thân. Dưới đây là bản dịch tiếng Việt của clip này.

"Bạn có lập kế hoạch phát triển bản thân cho mình không?

Có một thứ gọi là định luật giảm khả năng: Bạn càng chờ đợi lâu để làm điều gì đó, theo thời gian, khả năng bạn sẽ thực sự làm điều đó sẽ giảm dần.

Mọi người muốn bắt đầu một chế độ ăn kiêng, muốn đến phòng tập thể dục, muốn học một ngôn ngữ mới – Hãy thực hiện thôi! Vì càng trì hoãn, bạn càng khó có thể thực hiện được ý định của mình.

Nghe có vẻ đơn giản, vậy tại sao mọi người vẫn thường gặp thất bại khi cụ thể hóa những mục tiêu trong cuộc sống?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải xem xét từng khía cạnh của một mục tiêu. Chúng ta có thể chia thành ba giai đoạn: Ý tưởng, kế hoạch và sau đó là thực hiện. Giai đoạn nào cũng đều rất quan trọng, và trong mỗi giai đoạn, điều tốt nhất bạn có thể làm là xây dựng một kế hoạch hoàn toàn đơn giản và dễ làm theo.

Có một kiểu người mà chúng tôi gọi là "con người của ý tưởng", có nghĩa là họ có thể đưa ra những ý tưởng thực sự tuyệt vời. Có người rất giỏi lập kế hoạch, nhưng không tốt trong việc đưa ra các ý tưởng. Có người có thể đưa ra ý tưởng sáng tạo và xây dựng kế hoạch tuyệt vời, nhưng sau đó họ không thể thực hiện được kế hoạch đó. Chúng ta đôi khi chỉ giỏi ở một lĩnh vực nhất định, còn những lĩnh vực khác thì không. Trong công việc hay trong cuộc sống thường ngày, chúng ta rất dễ mất tập trung, không đặt mục tiêu, không có kế hoạch và sau đó về cơ bản cuối cùng lãng phí rất nhiều thời gian và đôi khi tốn rất nhiều tiền. Tôi sẽ đưa ra 2 ví dụ như sau:

Ví dụ 1 – Có một đợt tôi bị bệnh. Tôi nổi mẩn đỏ khắp người, tôi cảm thấy cơ thể mình có lẽ đã đạt tới nhiệt độ hàng ngàn độ C, tôi không thể di chuyển, không thể ra khỏi giường, mệt mỏi, yếu đuối, chóng mặt, buồn nôn, cảm thấy như mình có mọi triệu chứng. Nó đã diễn ra như thế trong vài ngày, vì vậy cuối cùng tôi đã phải đến bác sĩ và yêu cầu giúp đỡ.

Tôi đến phòng khám và tôi gặp một chuyên gia. Cô ấy hỏi tôi đang gặp vấn đề gì, và tôi nói với cô ấy các triệu chứng của mình. Bác sĩ nói tiếng Việt và tôi có một người phiên dịch. Người phiên dịch nói: "Anh ấy cảm thấy rất tệ" và rồi cô bác sĩ nói: "Vậy thì sao? Có gì đặc biệt ở anh ấy? Mọi người ở đây đều cảm thấy ốm, mọi người đều có vấn đề, vậy còn bạn thì sao?

Bạn phiên dịch viên thấy khá lo lắng và không biết nên dịch như nào cho đúng. Sau một hồi, cô ấy nhẹ nhàng bảo: "Bác sĩ muốn biết thêm về các triệu chứng".

Tôi phá lên cười và nghĩ: "Dịch hay nhỉ". Về cơ bản là bác sĩ biết tôi bệnh, và đó là lí do tôi đến phòng khám. Nhưng tôi đã không hề có kế hoạch, tôi không hề biết cô ấy muốn làm xét nghiệm gì, tôi thậm chí không thể nhớ mình đã ăn cái gì, đã uống thuốc gì. Tôi chưa lên kế hoạch cho việc trao đổi với bác sĩ và kết quả là tôi ngồi đây như một kẻ vô dụng.

Một lần khác, tôi đặt vé máy bay tại để chuyển tuyến (transit) tại Bangkok. Tôi có khoảng 90 phút giữa hai chuyến bay, vì thế tôi thảnh thơi nhập số thẻ tín dụng, mua vé máy bay và không nghĩ về điều đó cho đến khi tới sân bay.

Khi tôi nhìn vào chiếc vé, tôi mới nhận ra rằng có 2 sân bay ở Bangkok. Tôi đã mua vé tại hai sân bay khác nhau, và sẽ bị trễ chuyến bay tiếp theo mất thôi. Tôi phải đi qua cửa hải quan, đợi hành lý, bắt 1 chuyến tàu xuyên qua thành phố để đến sân bay kia. Và cuối cùng, tôi đã lỡ chuyển bay, tôi phải bỏ tiền ra để mua vé thêm một lần nữa.

Dù sao thì, như bạn có thể thấy, cuối cùng tôi đã khỏi ốm và lỡ các chuyến bay không phải là ngày tận thế. Đó không phải là lý do tại sao tôi kể cho bạn câu chuyện này. Tôi kể cho bạn câu chuyện này vì nó gợi cho tôi về hành trình giáo dục cho con trẻ. Một đứa trẻ không thể xuất hiện ở lớp và nói với giáo viên: "Dạy em đi". Cậu bé cần phải có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng, thói quen và kỷ luật để thực hiện những mục tiêu này. Không có kế hoạch, đứa trẻ sẽ giống tôi ở văn phòng bác sĩ. Không có kế hoạch, một đứa trẻ sẽ giống như tôi ở sân bay ngày hôm đó. Vì vậy, ý nghĩa của câu chuyện là: chủ động, có kế hoạch và tập trung. Đây cũng là lời khuyên cho các trường học và giáo viên. Đối với các sinh viên và phụ huynh Việt Nam, lời khuyên này thậm chí còn quan trọng hơn. Bạn cần lập một kế hoạch cho con em, sau đó làm việc với các trường học và giáo viên để đạt được thành công cùng nhau.

Tôi từng chia sẻ với nhiều bạn trẻ Việt Nam rằng, theo khảo sát hiện có có khoảng 40.000.000 người sắp bước vào độ tuổi lao động ở Việt Nam và con số đó đang tiếp tục tăng lên. Trên toàn thế giới, có hàng tỷ sinh viên đang cạnh tranh kiến thức để nổi bật hơn trong thị trường quốc tế này.

Giữa thế giới khắc nghiệt này, bạn có kế hoạch phát triển không? Bạn có mục tiêu cho kinh nghiệm và học vấn của bạn không? Tại sao bạn muốn học, bạn muốn học gì, bạn dự định làm thế nào?

Hãy tự tìm ra đáp án cho những câu hỏi đó, để xây dựng kế hoạch phát triển cho bản thân mình. Bạn cần chuẩn bị tinh thần chủ động, đừng chỉ đến trường và mong đợi thành công!".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước