Với diện tích 1.000m2, không gian trải nghiệm nghệ thuật kỹ thuật số "SốngLab" có tất cả 5 phòng trình chiếu. Hiện nơi đây đang trình chiếu 8 tác phẩm nghệ thuật số của các nhà sáng tạo Việt Nam.
Cùng Phóng viên Báo điện tử VTV News khám phá Bảo tàng nghệ thuật kỹ thuật số quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam.
Không gian nghệ thuật kỹ thuật số lớn đầu tiên
Sốnglab chuyên trình diễn các digital art (tác phẩm nghệ thuật sử dụng công nghệ cao vào sáng tác hoặc trình bày). Người xem sẽ được “nhập vai” hoàn toàn vào những chiều không gian nghệ thuật khác nhau, từ những sắp đặt nghệ thuật đương đại mix-media, cho tới đồ họa 3D, đồ họa tương tác, thậm chí là đồ họa thị giác được biên tập bằng trí tuệ nhân tạo...
Trong năm phòng của "SốngLab", phòng thứ ba có diện tích lớn nhất, không gian này trình diễn các tác phẩm: "Mọi miền tiềm thức", "Một trăm" và "Như một dòng chảy". (Ảnh: Đông Khánh)
"Hiện nay, “SốngLab” tổ chức trình diễn các tác phẩm thuộc lĩnh vực nghệ thuật kỹ thuật số. Lựa chọn này như sự gợi ý cho những nghệ sĩ múa đương đại, nhà điêu khắc... đến tham gia. Trên thế giới đã có những triển lãm bóc tách tác phẩm của Van Gogh như Future World tại Singapore, Teamlab Borderless tại Tokyo, L'Atelier des Lumières tại Paris... Thế tại sao mình không làm điều tương tự cho những nghệ sĩ Việt Nam", Anh Dương Đỗ - Nhà sáng lập Không gian trải nghiệm kỹ thuật số "SốngLab" - chia sẻ.
Lấy cảm hứng về hoàng hôn tại vịnh Lăng Cô, tác phẩm digital art "Phản chiếu" được trình diễn tại phòng thứ tư. (Ảnh: Đông Khánh)
Đây là nơi du khách có thể tương tác trực tiếp, mỗi lần chạm sẽ xuất hiện hiệu ứng phát sáng. (Ảnh: Đông Khánh)
Du khách tương tác trực tiếp với các tác phẩm nghệ thuật. (Ảnh: Đông Khánh)
"Chất" Huế trong nghệ thuật đương đại
Bảo tàng nghệ thuật kỹ thuật số "SốngLab" được đặt ở vùng đất cố đô, nên hầu hết các tác phẩm đều được các nghệ sĩ lấy cảm hứng từ đời sống văn hóa Huế. Ở đây, “chất” Huế đóng vai trò là nguyên liệu mang tính gợi mở, còn câu chuyện sẽ được “kể” bằng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại.
Chất liệu, di sản Huế được thể hiện qua nghệ thuật đương đại như Đại nội Huế, đò xứ Huế, hoa đăng... (Ảnh: Đông Khánh)
Các tác phẩm đang được trình chiếu ở Bảo tàng thực hiện bởi hàng chục nhà sáng tạo trẻ. Người thì kể câu chuyện về các dạng sống siêu thực qua chất liệu đồ họa trí tuệ nhân tạo, người thì tạo ra những dòng chảy hình ảnh được tạo bởi những con thuyền, đèn hoa đăng. Người thì cố gắng tái diễn ảo ảnh đã nhìn thấy tại Vịnh Lăng Cô.
Người xem sẽ trải nghiệm “nhập vai” một cách sống động qua những công nghệ trình chiếu tối tân đến từ đơn vị cung cấp thiết bị trình chiếu 3D mapping hàng đầu của khu vực Đông Nam Á, đã thực hiện các dự án tại sân bay Changi, hay vịnh Marina, Singapore.
"Tất cả các tác phẩm trong không gian đang được trình chiếu chỉ là giai đoạn đầu, bởi vì chúng tôi xem đây là một nền tảng, để từ đó kết hợp với các nhà sáng tạo, nghệ sĩ khác, tạo nên những tác phẩm có yếu tố lịch sử, di sản nhưng cũng đầy năng lượng của những người Việt trẻ. Đây là sự kết hợp lý thú giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, nhằm mở ra cho người trẻ những góc nhìn di sản đầy cảm hứng" - anh Dương Đỗ cho biết.
Phòng cuối cùng của "SốngLab" với tác phẩm "Ẩm thực trừu tượng", đây là góc nhìn về ẩm thực Huế. (Ảnh: Đông Khánh)
Bảo tàng nghệ thuật kỹ thuật số "SốngLab" dự kiến hoàn thiện và ra mắt vào tháng 10 năm nay. (Ảnh: Đông Khánh)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!