Khám phá đồ chơi dân gian với lễ hội Trung thu tại Bảo tàng dân tộc học

Minh Đức-Thứ hai, ngày 29/08/2022 06:06 GMT+7

VTV.vn - Chương trình Trung thu "Sức sống đồ chơi dân gian" tại Bảo tàng Dân tộc học có sự tham gia của các nghệ nhân dân gian hứa hẹn đem lại trải nghiệm thú vị cho các em nhỏ.

Trong hai ngày 3, 4/9/2022 (tức ngày 8, 9/8 âm lịch), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ tổ chức chương trình "Trung thu: Sức sống đồ chơi dân gian". Chương trình năm nay thu hút sự tham gia của các nghệ nhân dân gian đã nhiều năm gắn bó, bảo tồn đồ chơi truyền thống cùng Bảo tàng.

Hơn 20 năm qua, các nghệ nhân đã cùng Bảo tàng kiên trì, duy trì, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồ chơi dân gian. Bảo tàng luôn tìm tòi, thuyết phục, kết nối, tạo không gian để các nghệ nhân có cơ hội trình diễn, giới thiệu đồ chơi truyền thống đến du khách trong và ngoài nước. Điều này đã góp phần quan trọng cho sự phát triển của các món đồ chơi có nguy cơ thất truyền như ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn kéo quân, tàu thủy sắt tây, trống bỏi…

Khám phá đồ chơi dân gian với lễ hội Trung thu tại Bảo tàng dân tộc học - Ảnh 1.

Nghệ nhân Nguyệt Ánh hưỡng dẫn các bé làm hoa quả bằng bột.

Chương trình đem đến những trải nghiệm văn hóa thú vị qua các hoạt động gắn với chủ đề Tết Trung thu. Các bạn nhỏ được nghệ nhân hướng dẫn làm những món đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn con thỏ, mặt nạ giấy bồi, diều rô... Du khách có cơ hội thưởng thức những màn múa lân sư sôi động và trải nghiệm thử tài múa lân của các em nhỏ. Những bạn thích khám phá ẩm thực được làm thử bánh dẻo, giã cốm theo kỹ thuật dân gian. Bên cạnh đó, công chúng có cơ hội chơi một số trò chơi truyền thống như: nhảy dây, kéo co, đi cà kheo, đi goòng, ô ăn quan... 

Đặc biệt, công chúng còn có cơ hội khám phá Tết Trung thu của Việt Nam và Hàn Quốc thông qua bàn thờ và mâm cỗ Trung Thu. Tại góc trưng bày này, du khách được tìm hiểu những nét tương đồng và khác biệt trong Tết Trung thu của Việt Nam và Hàn Quốc. Các thông tin về ý nghĩa trong cách bày biện lễ vật trên bàn thờ của mỗi quốc gia sẽ đem lại những kiến thức thú vị cho công chúng. Ngoài ra, các em nhỏ ưa thích sáng tạo có cơ hội tự tay làm một số đồ chơi dân gian gắn với tìm hiểu các kiến thức khoa học.

Khám phá đồ chơi dân gian với lễ hội Trung thu tại Bảo tàng dân tộc học - Ảnh 2.

Các bạn nhỏ hào hứng tham gia trò chơi nhảy dây.

Những bức tranh về chủ đề trung thu được ghép từ những nguyên liệu tái chế cũng sẽ là một hoạt động thú vị mang ý nghĩa bảo vệ môi trường dành cho các bạn trẻ trong chương trình này.

Trung thu năm nay, Bảo tàng tổ chức các hoạt động làm đồ chơi dân gian không chỉ nhằm giới thiệu đến công chúng vẻ đẹp, ý nghĩa của các món đồ chơi mà còn muốn kể các các câu chuyện ẩn sau đó gắn với từng nghệ nhân. Các nghệ nhân đa số đã gắn bó với Bảo tàng trên dưới 20 năm. Bảo tàng đã cùng nghệ nhân chứng kiến nguy cơ biến mất của nhiều món đồ chơi và cũng cùng nghệ nhân khôi phục, duy trì, phát triển một số đồ chơi dân gian trong những năm qua. Mỗi món đồ chơi được gìn giữ đến ngày hôm nay đều gắn với những câu chuyện truyền nghề, giữ nghề của từng nghệ nhân. Các câu chuyện này sẽ được chính các bác chia sẻ thông qua hoạt động trình diễn, hướng dẫn du khách tham gia trải nghiệm. Thông qua hoạt động này, tất cả mong muốn công chúng hiểu thêm về sức sống của các đồ chơi dân gian được duy trì bởi sự đam mê giữ nghề, truyền nghề, lan tỏa vẻ đẹp của đồ chơi đến thế hệ trẻ trong xã hội hiện đại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước