Điểm cuối của “trục sáng tạo” trong Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 là Đại học Quốc gia Hà Nội (Đại học Tổng hợp cũ), nơi tần suất các hoạt động văn hóa – sáng tạo chỉ đứng thứ hai sau Cung Thiếu nhi Hà Nội.
Nơi đây được các nghệ sĩ, nhà sáng tạo đầu tư nhiều công sức, nhất là tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác "Cảm thức Đông Dương".
Tại đây sẽ trưng bày cụm các tác phẩm nghệ thuật tương tác độc đáo, gợi mở những cảm thức xưa cũ về kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương, trong cảm quan đa dạng của những kiến trúc sư, họa sĩ và nghệ sĩ hiện tại.
Đây là một tổ hợp khổng lồ tập hợp những sáng tạo của các nghệ sĩ, nhà thiết kế. Các tác phẩm nghệ thuật thị giác “phủ kín” sảnh chính của tòa nhà cho đến giảng đường, các mái vòm của tòa nhà…
Các nghệ sĩ sử dụng nhiều công nghệ sắp đặt hiện đại để “kể” những nét đẹp của quá khứ, giúp công chúng cảm nhận đa chiều, đa giác quan về nghệ thuật, kiến trúc Đông Dương.
Cảm thức Đông Dương – chính là cảm thức đã đặt nền móng cho nền kiến trúc, mỹ thuật và thiết kế hiện đại của Việt Nam.
Bức họa khổng lồ tại giảng đường Đại học Tổng hợp được vẽ theo phong cách bích họa châu Âu nhưng nội dung tác phẩm lại hoàn toàn mang chất Việt. Trung tâm bức họa là cổng tam quan truyền thống quen thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ, nằm dưới một tán cây cổ thụ sum suê. Hai bên cổng là một đôi câu đối về sự học, dịch nghĩa là: “Nhân tài là nguyên khí quốc gia/Đại học là gốc của giáo hóa”. Khoảng không gian rộng trước cổng tam quan, là nơi họa sĩ mô tả sinh động chân dung con người của xã hội Việt Nam cách đây tròn một thế kỷ - khi Việt Nam còn là thuộc địa, gồm cả người Pháp lẫn những cư dân bản xứ. Họ thực hiện các động tác thể hiện các chuyên môn khác nhau mà ngôi trường đào tạo: Bác sĩ thú y điều trị một con bò, các nhà hóa học thực hiện phân tích, bác sĩ thực hiện việc kích thích, tiêm vắc-xin, quan tòa đang tranh biện, kỹ sư hướng dẫn nông dân cách thức hoạt động của máy cày… (Ảnh: BTC)
Theo Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - Giảng viên nghệ thuật thị giác Trường khoa học liên ngành và nghệ thuật - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: "Dự án triển lãm "Cảm thức Đông Dương" là một sự nhìn nhận, khai thác lại các tầng lớp lịch sử ở nơi chốn này. Các tác phẩm trưng bày đều lấy cảm hứng từ chính nơi đây".
"Toà nhà này bản chất nhìn thì tưởng là tòa nhà tân cổ điển của Pháp, nhưng nhìn kỹ thì họa tiết, chi tiết trang trí đều từ mỹ thuật truyền thống Việt Nam. Từ đài Sen, dây Sen, chữ Vạn, bát bửu... đều là câu chuyện gắn chặt với mỹ thuật truyền thống Việt Nam. Có thể nói đây là điều đáng để tìm hiểu, mỹ thuật Đông Dương được lồng ghép với câu chuyện của văn hoá, khoa học châu Âu. Cách làm triển lãm không phải để che kiến trúc này đi mà để tôn vinh kiến trúc này như là một tác phẩm nghệ thuật". Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn bày tỏ.
Nét kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương ở Đại học Tổng hợp một lần nữa sẽ được bừng sáng qua Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 bắt đầu từ ngày 9/11 đến hết ngày 17/11/2024.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!