Cao Bằng nổi tiếng là vùng đất cách mạng cũng là vùng di sản trù phú, trong đó có thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái vừa được UESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nói đến Then thì không thể không nhắc tới cây Tính tẩu, nhạc cụ luôn gắn liền với Then. Nghệ nhân Trần Đức Khang là một trong khoảng 10 nghệ nhân hiện còn làm đàn Then ở Cao Bằng.
Chế tác đàn Tính đòi hỏi người thợ phải kiên trì, có đôi bàn tay khéo và hiểu biết về đàn Tính, quan trọng nhất phải tìm được bầu đàn tốt. Nhìn tuy đơn giản nhưng để làm ra chiếc đàn Tính cần phải trải qua rất nhiều công đoạn. Có một điều đặc biệt là người làm nhạc cụ không chỉ là một người thợ thông thường mà còn phải là nghệ sĩ để họ có thể nghe được âm thanh, thử dây, chỉnh đàn, mới tạo ra được một nhạc cụ hoàn chỉnh.
Đàn Tính, hát Then đã góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc người Tày, Nùng, Thái tại Cao Bằng. Ngày nay, đàn Tính vẫn tiếp tục được gìn giữ và truyền lại cho thế hệ trẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!