Không như sản phẩm điện ảnh mang tính đại chúng, kịch nói là loại hình nghệ thuật kén khán giả, song lại được các em học sinh thuộc CLB kịch Life’s So Drama (trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) ứng dụng nhằm tri ân các bậc sinh thành. Vở kịch Khi trời nổi gió sử dụng chất liệu xưa cũ đã thành công khi chạm đến cảm xúc của khán giả.
Chia sẻ lý do lựa chọn đề tài, em Vương Lê Hà - Phó Chủ tịch CLB Life’s So Drama - cho biết: “Hiện nay, các câu lạc bộ, các chương trình nghệ thuật ưa chuộng những đề tài liên quan đến hiện tại và tương lai, chủ yếu chọn những nội dung mới mẻ, hiện đại để khai thác, không có nhiều vở viết về quá khứ, lịch sử. Với mong muốn giữ gìn, phát huy những yếu tố truyền thống, lan tỏa những câu chuyện và ký ức cũ đến các bạn trẻ hiện nay, chúng em đã nảy ra ý tưởng và tạo nên vở diễn này”. Từ ý tưởng này, nhóm tác giả đã tham khảo cách xây dựng hình ảnh từ những tác phẩm điện ảnh năm 1990 - 2000, viết lại câu chuyện về những số phận ở thời của bố mẹ mình để tái hiện rõ nét hơn thời thanh xuân thế hệ 7X, 8X.
Bối cảnh phòng trọ của ba cô gái Trúc An, Hạ Trâm và Trà Giang
Tuy nhiên, đất nước đã đi qua giai đoạn khó khăn về mặt vật chất, các bạn trẻ gen Z không thường trực nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền. Điều này cũng khiến Lê Hà và các thành viên CLB Life’s So Drama gặp khó khăn trong việc truyền tải nội dung vở kịch. “Chúng em phải nghĩ cách làm sao để lớp trẻ hiện nay cảm nhận được thời đói khổ thiếu thốn ấy một cách chân thực nhất. Đó thực sự là một điều rất khó” - Lê Hà chia sẻ.
Khi trời nổi gió lấy bối cảnh xóm trọ tại xứ Huế mộng mơ năm 1994, nơi các bạn sinh viên chung nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền tạm gác lại những tình cảm còn dang dở và hoài bão, để đi làm trang trải cuộc sống, hướng đến một tương lai bớt thiếu thốn. Đó cũng chính là lúc những biến cố lần lượt ập tới, có lúc đã đập tan niềm tin vào tương lai của các bạn trẻ ấy khi người thân, chỗ dựa của họ ra đi.
Đám cưới linh đình của Vũ và Trà Giang
Các nhân vật chính nhận ra kiếm sống không hề dễ dù chọn công việc tạm bợ hay đáng mơ ước, những khó khăn sẽ lại vùi dập ý chí họ. Nhưng “sau cơn mưa trời lại sáng”, vở kịch vẫn có một cái kết đẹp với một đám cưới được tổ chức.
Buổi hẹn của Trâm và Việt đêm trước khi Việt đi xuất khẩu lao động
Các diễn viên trẻ của Khi trời nổi gió đã nghiên cứu kỹ tâm lý, hành động nhân vật để có thể diễn tròn vai. Trên sân khấu, sự kết hợp nhiều động tác mang tính ước lệ của người diễn viên đã lột tả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần của nhân vật. Ngoài diễn xuất tinh tế, âm nhạc và vũ đạo được sử dụng trong Khi trời nổi gió cũng khiến khán giả mãn nhãn. Đây là hai yếu tố góp phần tạo thêm sức lôi cuốn trong thể loại kịch nói.
Vũ đạo uyển chuyển góp phần tạo nên không khí trầm lắng phút chia ly của các nhân vật
Kết thúc buổi diễn, các bậc phụ huynh tới xem buổi diễn khóc vì cảm động và bày tỏ sự bất ngờ khi vở kịch được dàn dựng bởi những học sinh cấp 3. Đối với khán giả thiếu niên, vở kịch mang đến những suy ngẫm riêng về thời thanh xuân của thế hệ trước.
Theo nhóm tác giả, thanh xuân của bất kỳì ai cũng sẽ có những trăn trở và nỗi niềm riêng, dù ở thế hệ nào. Thế hệ trẻ hiện nay không chỉ có nhu cầu về cái ăn cái mặc mà còn có nhu cầu về đời sống tinh thần rất lớn. Cũng vì vậy, mục tiêu mà người trẻ hiện tại hướng đến sẽ khác với những người ở thế hệ cách đây 30 - 40 năm.
Đối với thế hệ trước, quá trình theo đuổi đam mê khó khăn hơn rất nhiều các bạn trẻ gen Z hiện nay khi họ phải tự bươn chải và bị ảnh hưởng nhiều bởi định kiến xã hội. Bởi vậy, xuyên suốt vở kịch là những lời thoại khiến khán giả cảm nhận rõ nỗi lo thường trực của thế hệ 7X, 8X. Ở lứa tuổi cần tập trung học hành, họ lại chẳng thể ngưng làm, ngưng nghĩ về tương lai.
Khi trời nổi gió với chất liệu chân thực, ánh đèn sân khấu mờ ảo, bối cảnh được dựng một cách công phu, lời thoại từ tốn, đầy cảm xúc đã chạm đến trái tim khán giả.
Đúng với mục đích ra đời của CLB kịch Life’s So Drama, các em học sinh bày tỏ mong muốn đưa loại kịch nói gần hơn với gen Z, xóa bỏ định kiến đây là loại hình nhàm chán, cũ kỹ, khó xem. Trong tương lai, các dự án của Life’s So Drama dự định đào sâu khai thác các đề tài mới dưới góc nhìn mới, tiếp tục sáng tạo và lan tỏa loại hình nghệ thuật này tới nhiều bạn trẻ hơn nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!