Khó tin, thí nghiệm thành công khiến ếch “mọc” lại chân

Mai Linh (theo Live Science)-Thứ ba, ngày 01/02/2022 11:30 GMT+7

(Ảnh: Holly Mahaffey Photography, Getty Images)

VTV.vn - Ếch là loài không thể mọc lại chân một cách tự nhiên nhưng một nghiên cứu mới đã hiện thực hóa được điều tưởng như không thể đó.

Mới đây, các nhà khoa học đã thành công giúp những con ếch thí nghiệm mọc lại đôi chân bị cụt nhờ sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau lên vết thương và bọc lại bằng một miếng silicon.

Được biết, ếch có móng vuốt châu Phi (Xenopus Laevis) giống con người ở điểm không thể mọc lại các chi đã mất một cách tự nhiên. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã thành công giúp chúng phát triển các chi thay thế trong vòng 18 tháng sau một đợt điều trị chỉ kéo dài 24 giờ. Dù vẫn còn nhiều điểm khác biệt, thành quả của nghiên cứu vẫn khơi lên một niềm hy vọng có điều kỳ diệu tương tự xảy ra với con người trong tương lai.

Nirosha Murugan – tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết: “Thật thú vị khi thấy các loại thuốc chúng tôi chọn giúp tạo ra một chi gần như hoàn chỉnh. Một thời gian ngắn tiếp xúc với thuốc đã có thể bắt đầu một quá trình tái tạo kéo dài hàng tháng”.

Trên thực tế, con người và các loài sinh vật khác cũng có khả năng tái tạo trong giới hạn. Ví dụ, cơ thể con người có thể tự lành các vết thương hở và thậm chí có thể sử dụng tế bào gốc để làm lại các phần nhỏ của gan. Một số loài động vật trong đó có kỳ nhông còn có thể mọc lại toàn bộ chi và nhiều bộ phận bị thiếu, bị mất khác. Cơ chế đằng sau sự tái tạo chi hiện vẫn chưa được các nhà khoa học hiểu thật sự đầy đủ.

Nghiên cứu mới nhất này đã sử dụng nhiều loại thuốc để tái tạo mô chi bị mất. Nhóm tác giả tiến hành phẫu thuật cắt chân của những con ếch và sau đó bọc phần vết thương vào bằng một tấm silicon có tẩm 5 loại thuốc, bao gồm hormone tăng trưởng thực hiện các vai trò khác nhau như hỗ trợ phát triển dây thần kinh, cơ bắp và một loại thuốc ngăn cơ thể sản xuất collagen – nguyên nhân tạo sẹo ở vết thương.

Đồng tác giả David Kaplan – giáo sư kỹ thuật tại Đại học Tufts cho biết: “Miếng silicon trong 24 giờ đầu tiên của vết thương giúp vết thương được tiếp xúc với môi trường có thành phần tương tự như nước ối. Cùng với các loại thuốc phù hợp khác, dung dịch này cho phép quá trình tái tạo diễn ra mà không xuất hiện mô sẹo gì”.

Được biết, đôi chân mới có hình dạng tương tự như chân bình thường với cấu trúc xương cũng giống, ngoại trừ các ngón chân còn thiếu xương bên dưới. Những con ếch trong thí nghiệm đã có thể sử dụng chân mới của chúng để bơi như chân thông thường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước