Nếu như Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, hay Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 đều được cả xã hội biết tới với rất nhiều bó hoa tươi thắm được trao tặng, thì Ngày Kiểm lâm Việt Nam 21/5 lại có phần tĩnh lặng hơn và chưa được nhiều người biết đến. Tất nhiên vì đây là ngành đặc thù, những chiến sĩ kiểm lâm làm việc quanh năm suốt tháng ở sâu trong những cánh rừng nên số người để ý tới họ cũng khó mà nhiều. Thế nhưng khi cả thế giới đang ngày càng tôn vinh rừng và đa dạng sinh học, cùng những nỗ lực chống chọi với biến đổi khí hậu, thì lực lượng kiểm lâm càng cần được quan tâm và trân trọng hơn nữa. Đặc biệt trong năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam chính thức bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng và thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỉ đồng). Tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường hoạt động trồng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng.
Khung cảnh hùng vĩ của khu Ramsar Bàu Sấu, Vườn quốc gia Cát Tiên. (Ảnh: Lê Đức Khánh)
Những ngày tháng 5, tôi trở lại Vườn quốc gia Cát Tiên – nơi có mức độ đa dạng cao bậc nhất của nước, nơi rapper Đen Vâu quay MV "Nhạc của rừng". Khi đi bộ hay đạp xe dọc theo các tuyến đường, tôi bắt gặp những đàn khỉ đang leo trèo trên cây, những con sóc chạy nhanh thoăn thoắt, một chú kỳ đà bò dưới đất trông như cá sấu con, và cả những đàn bướm trắng đang vào mùa đẹp nhất. Để giữ vẻ đẹp nguyên sơ của bức tranh thiên nhiên sống động ấy, hay bất kỳ khoảnh rừng nào trong hơn 82.000 ha rừng trải dài trên 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước, là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng kiểm lâm. Với 21 trạm và 147 cán bộ kiểm lâm viên, Vườn quốc gia Cát Tiên được bảo vệ bằng mồ hôi và máu của những người yêu rừng.
Những khó khăn trong hành trình đi tuần tra rừng của các chiến sĩ như phải mang theo hành lý nặng đến hơn 20kg, đựng xoong nồi, bát đĩa, lương thực thực phẩm, hay phải dựng lán ngủ giữa rừng bất chấp các loại côn trùng và vắt đã được kể nhiều trước đây. Tôi không muốn nhấn mạnh vào những thiệt thòi, thiếu thốn của các anh nữa, mà muốn chứng minh rằng nỗ lực ấy là xứng đáng bởi những kết quả đáng khích lệ.
Kiểm lâm cùng đồng bào dân tộc giữ rừng
Trạm kiểm lâm Bù Sa đóng trên xã Đồng Nai Thương, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng – địa bàn thuộc vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên, từ trung tâm huyện đi lên chỉ có một con đường độc đạo duy nhất. Nơi đây có người đồng bào dân tộc Châu Mạ sinh sống nên vừa là thuận lợi, cũng vừa khó khăn. Từ xa xưa, người dân đã có thói quen vào rừng để kiếm kế sinh nhai mà không biết việc đó là hành vi xâm hại rừng. Tuy nhiên sau thời gian dài tuyên truyền, tập huấn, bà con đã có sự biến chuyển về nhận thức. Đặc biệt, từ năm 2011, theo chương trình giao khoán bảo vệ rừng, họ đã trở thành lực lượng cộng đồng tham gia cùng kiểm lâm giữ rừng.
Toàn xã có 450 hộ tham gia nhận khoán, mỗi hộ đại diện một người đi trực bảo vệ rừng. Một tháng có một ngày đêm tuần tra và ngủ lại trong rừng, một quý có một đợt đi rừng liền 3 – 5 ngày. Thế nên ngày nào cũng có 10 – 15 người dân trong xã đi trực, phủ các khu vực. Họ được nhận lương từ chính công việc này.
Kiểm lâm viên Trạm Bù Sa, công an địa phương và người dân đi tuần tra rừng.
Anh Lê Viết Hồ, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bù Sa chia sẻ: "Việc giao cho người dân nhận khoán bảo vệ rừng sẽ giảm gánh nặng cho lực lượng kiểm lâm trong công tác tuần tra. Người dân sẽ phối hợp trong việc chủ động thông báo thông tin cho mình khi thấy đối tượng lạ ở dưới kia lên trên này. Chẳng hạn gần đây mình nhận được nguồn tin có đối tượng vận chuyển lâm sản nên kịp thời phát hiện, vụ việc đã bị khởi tố, đối tượng bị bắt tạm giam. Hay các tổ tuần tra rừng nếu thấy bẫy sẽ báo về cho kiểm lâm hoặc tự tháo gỡ bẫy rồi mang về trạm."
Với nhiệm vụ quản lý 5.476 ha rừng, hàng tháng, Trạm Kiểm lâm Bù Sa tổ chức các cuộc họp cộng đồng để tuyên truyền cho bà con, ví dụ mùa ươi thì tuyên truyền bảo vệ cây ươi; mùa hạn thì tuyên truyền phòng cháy rừng; mùa mưa thì cảnh giác đánh bẫy, săn bắn,…
Anh Phạm Hữu Chiến, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bù Sa kể lại: "Trước đây nếu không có cộng đồng, người ta đã bẫy một tháng rồi thì kiểm lâm mới phát hiện ra, còn bây giờ chỉ 1 – 2 ngày là phát hiện được ngay. Bởi vì người vi phạm chủ yếu là người nằm trên địa bàn, nên hàng xóm đi đâu, khu vực nào, hay làm bẫy tại nhà là biết liền. Khoảng 20 năm về trước thì cứ 10 nhà có 8 nhà vi phạm, mà mỗi lần bắt là bị chống đối, người dân lên tận trạm hành hung kiểm lâm. Sau này mình giao rừng cho họ, tuyên truyền cho họ thì dần dần họ nhận thức được.
Qua quá trình gần gũi với dân, mình cũng thấy có gia đình nuôi một con khỉ đuôi dài. Mình phải đến nhà thuyết phục hơn một tuần, mình bảo là con khỉ cũng như con người, nó nhỏ bé như con của mình, mà mình bắt nó có tội nó không, từ từ họ cũng suy nghĩ rồi giao nộp khỉ để thả về rừng".
Anh Phạm Hữu Chiến thường xuyên làm công tác dân vận với mỗi gia đình trong thôn.
Những thông điệp và tình yêu rừng dần dà cũng được lan truyền từ các chiến sĩ kiểm lâm tới từng người dân trong xã. Anh K’Chin, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng, kiêm Bí thư Chi bộ thôn Bi Lao đã tham gia công việc này từ năm 2012. Anh bảo rừng nhiều tác dụng lắm, như giúp khí hậu mát mẻ, tạo thêm sinh kế cho người dân. Ngay từ đầu năm, anh K’Chin đã cùng kiểm lâm lên kế hoạch công việc cho các hộ dân, một tháng tuần tra bao nhiêu đợt, ở những vị trí nào, đều có công cụ smart hỗ trợ để không bị lạc đường cũng như không đi rừng tràn lan như trước nữa. Anh thích thú bảo: "Lâu lâu đi rừng cũng vui lắm, mình phát hiện thêm những động vật trong khu vực của mình, lại vừa có thu nhập nữa."
Những vết thương kiên cường
Vài ngày sau, tôi gặp anh Chìu Văn Hai tại Trạm Kiểm lâm cơ động của VQG Cát Tiên. Đáng lẽ cuộc hẹn của chúng tôi đã diễn ra vào chiều hôm trước, nhưng khi tôi đến thì cả trạm không có ai, gọi điện không liên lạc được. Hóa ra chiều hôm đó có vụ cháy rừng nên cả đội phải đến xử lý gấp, cũng may đám cháy ở tràng cỏ đã được khoanh vùng và xử lý kịp thời, không có nhiều tổn hại.
Anh Chìu Văn Hai - kiểm lâm bị trọng thương trong khi phục kích lâm tặc vào tháng 3/2023
Anh Hai là nạn nhân trong vụ việc 3 kiểm lâm bị nhóm đối tượng săn bắt động vật trái phép hành hung vào tháng 3/2023. Anh là người trẻ tuổi nhất và bị thương nặng nhất với vết chém ở gần tai, đầu, và ở bàn tay, tôi có thể dễ dàng nhìn thấy vết sẹo dài trên khuôn mặt anh. Anh Hai điềm tĩnh kể lại: "Chúng mình đã phát hiện các dấu vết từ mấy hôm trước nên tổ chức tuần tra mật phục đêm. Khi nghe thấy tiếng súng nổ, chúng mình báo về lãnh đạo Trạm huy động thêm người vào hỗ trợ. Theo dõi đến khoảng 1h sáng thì phát hiện ánh đèn, sau đó tiếp tục theo dõi đến 2h sáng thì các đối tượng đi ra nên lực lượng kiểm lâm ập vào bắt giữ. Chúng xịt hơi cay và dùng dao chống lại quyết liệt."
Được biết, nhóm đối tượng gồm 6 người đều là người địa phương sống ở vùng đệm xung quanh vườn quốc gia. Lực lượng kiểm lâm đã theo dõi từ vài năm trước, cũng từng bị chúng xịt hơi cay để trốn thoát.
Xót xa trước những loài động vật bị sát hại dã man bởi lòng tham và sự vô cảm.
Với tang vật gồm tám con cheo, một con nai, một con chồn hương, một con heo rừng (tất cả đều đã chết), các hung khí là súng tự chế, dao, bình xịt hơi cay, các đối tượng đã bị xử lý hình sự với mức phạt lần lượt là 5 năm, 2 năm 6 tháng và 2 năm án treo. Anh Hai hi vọng rằng với với án phạt nghiêm khắc như trên, khi ra tù các đối tượng sẽ không tái phạm nữa. Đây cũng là lần đầu tiên anh gặp phải nhóm tội phạm manh động, hung hãn như vậy. Những vết thương kiên cường của các anh đã đổi lấy thành quả là bắt giữ được nhóm đối tượng vốn ở trong tầm ngắm từ lâu.
"Vết thương của mình sâu 1cm, máu chảy rất nhiều. Hai đồng chí khác cũng bị thương ở gò má và hông. Khi ấy mình cũng không sợ hãi gì cả mà nghĩ rằng phải làm hết trách nhiệm của mình, cố gắng hoàn thành công việc.", anh Hai giãi bày.
Những vết sẹo của anh Hai trong nỗ lực bảo vệ rừng và động vật hoang dã.
Khi xem được bức ảnh anh Chìu Văn Hai băng bó quanh đầu ở bệnh viện, tôi đã rất xúc động và thấy đau lòng với vết thương nghiêm trọng của anh. Thế nhưng khi trò chuyện với anh, tôi phần nào yên tâm hơn với bản lĩnh và trách nhiệm của người kiểm lâm này, dù anh mới 32 tuổi, làm ở đây được 5 năm, lương vỏn vẹn 6 triệu/ tháng.
Đây cũng là thử thách chung đối với lực lượng kiểm lâm ở Việt Nam nói chung và VQG Cát Tiên nói riêng. Nhiều chiến sĩ đã chuyển việc vì thu nhập không đảm bảo được đời sống. Anh Lê Viết Hồ, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bù Sa tâm sự: "Mình làm kiểm lâm 14 năm rồi, đến nay lương được 8 triệu. Nếu những ai đi làm công việc bảo vệ rừng thì đa phần vì người ta quý nghề, không thì khó mà theo được. Như anh Quân ở trạm mình lương được 5,4 triệu, đi làm kiểm lâm nhưng gia đình vẫn là hộ nghèo, năm ngoái chính quyền phải hỗ trợ để sửa nhà, đồng lương nuôi 1 vợ 2 con dường như là không đủ."
Ngày xưa nhà mình ở dưới biển, chị gái mình bảo rừng đẹp lắm thế là mình đi thôi, học ngành Kiểm lâm của Đại học Lâm nghiệp xong đi làm. Ở với bà con 10 năm nay, thấy bà con sống thật thà, đâu đó có những đối tượng ở nơi khác lên xúi giục lôi kéo, không có công ăn việc làm nên họ làm theo. Từ công tác tuyên truyền nên số người vi phạm giờ đây còn ít. Để đảm bảo được diện tích rừng hiện tại thì anh em cũng phải căng mình cố gắng, cùng sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Đến bây giờ mình tạm thấy hài lòng với với diện tích rừng trạm mình được giao quản lý, sau 10 năm rừng vẫn còn nguyên vẹn."
Anh Lê Viết Hồ, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bù Sa làm việc với người đồng bào dân tộc Châu Mạ.
Không chỉ đi tuần tra rừng mà các kiểm lâm viên còn được đào tạo về công tác tuyên truyền, dân vận, pháp chế, cứu hộ, phòng cháy chữa cháy…Bất cứ vấn đề gì xảy ra ở rừng thì kiểm lâm cũng phải xử lý. Dẫu khối lượng công việc nhiều và nặng nhọc, những người kiểm lâm vẫn mang một tâm hồn rất xanh tươi với tình yêu thiên nhiên, cây cối. Với họ, được tham gia bảo vệ rừng, phục hồi đa dạng sinh học là một niềm hãnh diện. Giờ đây, họ chỉ mong thế hệ trẻ cũng có tình yêu rừng như vậy để chung tay với nhau tạo thành thành lũy bảo vệ những cánh rừng xanh của Tổ quốc, bởi như anh trạm trưởng Lê Viết Hồ nói, "Phải yêu mới làm được". Còn nhạc sĩ Trần Long Ẩn cũng đã viết trong ca khúc "Một đời người một rừng cây": Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?
Hãy chung tay bảo vệ rừng và động vật hoang dã, vì có những thứ khi mất đi sẽ không bao giờ lấy lại được. (Ảnh: Save Vietnam's Wildlife)
"Nói thay những loài không thể nói". (Ảnh: Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!