Tất cả vinh quang và "góc khuất" nghề nghiệp của nghề kiến trúc sư đều được khắc họa rõ nét trong chương trình Là Nhà đang được phát sóng hàng tuần trên VTV3 và Megalivestream của VCCorp.
Bên cạnh những ý tưởng sáng tạo, những lời nhận xét có cánh hay mức thu nhập khủng, kiến trúc sư cũng là nghề mang tính dấn thân và cống hiến hơn là những gì người ta thường thấy bên ngoài. Để tạo ra một bản thiết kế đẹp, các kiến trúc sư phải đối mặt với không ít áp lực, thách thức cùng những quy tắc nghề nghiệp khắt khe. Điều này được thể hiện chân thực và sâu sắc trong Là Nhà - show thực tế về chủ đề Kiến trúc - Thiết kế, nơi kiến trúc sư là nhân tố quan trọng góp phần tạo nên một căn nhà, một mái ấm cho mỗi nhân vật trải nghiệm.
Ở Là Nhà, nhà không phải là món trang sức để thể hiện uy quyền hay địa vị xã hội mà còn mang những giá trị nhân văn hơn, chứa đựng những câu chuyện riêng của gia chủ. Đó là nơi có tình yêu thương của cha mẹ, nơi lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ của con, nơi bão dừng sau cánh cửa hay đơn giản là không gian riêng tư để mỗi người thoải mái tận hưởng cuộc sống với bản ngã của mình.
Và để tạo nên những ngôi nhà như thế, các kiến trúc sư không những phải khảo sát kỹ điều kiện tự nhiên - môi trường nơi gia chủ sống, tìm hiểu sở thích, thói quen của họ để đưa ra phương án thiết kế tối ưu mà còn phải tự "đấu tranh" với chính mình để cân bằng giữa "cái tôi" bay bổng, lãng mạn với nhu cầu của chính người sử dụng, giữa công năng, lợi ích với nét đẹp thẩm mỹ của ngôi nhà.
Ở tập 2 của Là Nhà, kiến trúc sư Khánh Ni từng chia sẻ rằng để hiểu về Osad, team INN Studio đã phải tìm kiếm trên tất cả các trang mạng xã hội xem nam rapper hàng ngày mặc như thế nào, ăn gì, chơi ở đâu... "Tất cả MV phải coi lại, mình phải tìm hiểu từ đó, để suy ra tính cách và đi vào căn nhà sẽ như thế nào", cô cho biết.
Trong tập 5, khán giả truyền hình đã có dịp chứng kiến những màn tranh luận khá căng thẳng giữa nhân vật trải nghiệm - nghệ sĩ, doanh nhân Diệp Lâm Anh với kiến trúc sư Đoàn Mạnh. Nhưng dù có nhiều bất đồng trong quan điểm thiết kế, CEO Combo Home vẫn cố gắng đưa ra phương án phù hợp với nhu cầu của nữ nghệ sĩ nhất. Bởi "mình đang làm nhà cho gia chủ mà chứ mình không phải làm nhà cho mình. Làm nhà phù hợp với chủ nhà vẫn là điều quan trọng nhất".
Ngoài đảm bảo tính hài hòa giữa công năng và thẩm mỹ, quá trình hiện thực hóa tổ ấm trong mơ của các gia đình cũng đặt ra nhiều khó khăn, thử thách cho những người "thợ vẽ nhà".
Chẳng hạn ở tập 6, bản thiết kế của kiến trúc sư Phạm Anh mặc dù hợp ý người chồng nhưng lại vấp phải ý kiến phản bác của nữ chủ nhân.
Hay như trong tập 7, nhóm kiến trúc sư của Ngói Concept đã vô cùng lo lắng khi sắp đến hạn bàn giao nhà nhưng lại gặp vấn đề với xe chở đồ nội thất. Để không thất hẹn với gia chủ, cả kiến trúc sư và đội ngũ thi công đã phải làm việc xuyên đêm, từng giờ từng phút để chạy đua với thời gian.
Có thể nói, với những kiến trúc sư tâm huyết với nghề, "bỏ cuộc" dường như không có trong từ điển của họ. Ngược lại, chính những "ca khó" lại là động lực để họ cố gắng và nỗ lực nhiều hơn. Bởi hơn ai hết, các kiến trúc sư hiểu được những giá trị mà họ mang đến cho cộng đồng, cho xã hội. Với họ, thước đo của sự thành công không nằm ở khoản thù lao nhận được sau mỗi dự án mà là sự hài lòng, là gương mặt hạnh phúc của khách hàng trong căn nhà mới.
Không có một nghề nghiệp hay công việc nào chỉ toàn màu hồng và kiến trúc sư cũng vậy. Với Là Nhà, công chúng đã phần nào thấy được chân dung của những người vẽ giấc mơ về một mái ấm, một căn nhà cho các gia đình, thấy được những khó khăn, vất vả của họ. Từ đó, mọi người cũng có góc nhìn bao quát hơn, thấu hiểu hơn về nghề kiến trúc, đúng với mục tiêu và những giá trị nhân văn mà ban tổ chức Là Nhà hướng đến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!