Chè tươi sau khi hái sấy trong lò nóng trên 200 độ C cho lá săn héo được gọi là quá trình diệt men. Đây cũng là công đoạn quan trọng quyết định mùi hương và màu nước chè. Hiện, nhiều cơ sở vẫn diệt men, sấy chè bằng lò củi. Một số cơ sở có điều kiện hơn đã đầu tư lò gas để sấy. Tuy nhiên, dù sấy bằng lò củi hay lò gas thì vẫn phải đảm bảo sau diệt men, lá chè héo đều, không cháy sém hay quá tươi.
Theo chia sẻ của người sản xuất chè, đây cũng chính là khâu những người làm chè bẩn trộn thêm các chất phụ gia, nước màu để tăng hương vị, màu sắc cho chè.
"Đối với những loại chè được cho hương liệu và phẩm màu, chỉ cần rót nước nóng, lắc nhẹ thì khi rót ra đã có màu xanh. Tuy nhiên, đó là màu xanh thẫm và hơi đục, không phải màu xanh tự nhiên của lá chè", một người sản xuất chè ở Thái Nguyên cho biết.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Thái Nguyên, trong năm 2016, các mẫu chè do cơ quan này phân tích đều đảm bảo chất lượng song với diện tích trồng chè lớn, kinh phí kiểm nghiệm bị hạn chế nên số lượng mẫu lấy còn khá khiêm tốn. Dự kiến trong thời gian tới, việc hệ thống máy kiểm nghiệm của Chi cục được đưa vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao quá trình kiểm soát chất lượng chè.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.