Tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Khoa học tại Đại học Monash tại Australia năm 2000, bà Nguyễn Thị Minh Phương trở về Việt Nam công tác ở Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia trong hơn 10 năm, và đã học lên tiến sỹ.
Sau khi nghỉ hưu ở tuổi 55, bên cạnh việc duy trì các hoạt động tư vấn về chuyên môn khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu bà tìm được cho mình niềm vui mới - tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, trong đó có nhóm "Làm sạch đẹp hồ Gươm với Ninomiya".
Bà Phương chia sẻ: "Trong khoảng thời gian học tập tại Australia, tôi cũng tranh thủ đi tham quan nhiều danh lam, thắng cảnh và tham gia vào nhiều hoạt động vì cộng đồng. Đạt được học bổng của chính phủ Australia (AusAid) ở tuổi 39 khi đó, đã mở ra cho tôi cơ hội được tiếp thu những kiến thức chuyên ngành hiện đại bổ ích về chuyên môn dự báo khí tượng nhiệt đới, dự báo bão tại một đất nước tiên tiến. Tôi cũng được tiếp xúc với rất nhiều phong trào tình nguyện bảo vệ môi trường như giải cứu động vật hoang dã, bảo vệ cây xanh tại Australia. Điều này đồng thời là động lực để tôi tiếp tục góp mặt trong các hoạt động bảo vệ môi trường hay nâng cao ý thức người dân khi về nước, góp phần giúp Việt Nam dần trở thành một quốc gia tiên tiến".
Bà Nguyễn Thị Minh Phương - trưởng nhóm "Làm sạch đẹp hồ Gươm với Ninomiya" - từng tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Monash nhờ học bổng của Chính phủ Úc.
Cách đây hơn 10 năm, trong một lần tình cờ đọc được bài viết trên báo về hoạt động tình nguyện dọn rác quanh hồ Gươm do ông Tohru Ninomiya - doanh nhân người Nhật Bản có nhiều năm sống và làm việc tại Việt Nam - khởi xướng, bà Minh Phương quyết định sẽ trở thành một phần của cộng đồng này. Với bà, đây là một cơ hội làm đẹp hình ảnh của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trong mắt bạn bè quốc tế.
"Trong bài viết, ông Ninomiya bày tỏ tình yêu nhưng cũng lo ngại về thực trạng môi trường của Việt Nam. Ông cho rằng bản thân phải làm một điều gì đó để thay đổi thực trạng cũng như tỏ lòng biết ơn với đất nước này", bà Minh Phương chia sẻ. Đó là cách nhóm "Làm sạch đẹp hồ Gươm với Ninomiya" ra đời năm 2012.
Thời gian đầu, ông Ninomiya đã vận động và kêu gọi cộng đồng người Nhật sinh sống tại Hà Nội tham gia, trong đó có cả những doanh nhân và giáo viên. Dần dần, khi hoạt động dọn rác trở thành một phần không thể thiếu ở hồ Gươm vào mỗi sáng chủ nhật, nhóm thu hút ngày càng nhiều thành viên đa quốc tịch, đa nghề nghiệp và đa độ tuổi. Bà Minh Phương là một trong số đó.
Cựu sinh Úc cho biết: "Đều đặn 8h-8h30 sáng chủ nhật hàng tuần, bất kể nắng mưa, tôi đều có mặt ở đây. Tôi nghĩ chúng ta phải tích cực thay đổi bộ mặt đất nước từ những hành động nhỏ nhất. Để người nước ngoài thấy Việt Nam không sạch sẽ, rồi họ bảo nhau đi dọn rác ở trung tâm thủ đô mà chúng ta không có động thái gì thì không ổn".
Hoạt động dọn rác quanh hồ Gươm được nhóm duy trì đều đặn mỗi sáng chủ nhật trong hơn 10 năm.
Không mất nhiều thời gian để hoạt động vì cộng đồng này phát triển cả về số lượng thành viên lẫn quy mô địa điểm. Không dừng lại ở hồ Gươm, tầm hoạt động của nhóm đã lan sang những khu vực khác như hồ Thiền Quang, công viên Thủ Lệ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thị trấn Phùng... với tổng cộng hơn 800 thành viên đăng ký tham gia tùy khung giờ, địa điểm tính đến hiện tại.
Thông thường, mỗi sáng cuối tuần có 50-60 thành viên tham gia dọn rác, cá biệt có những hôm lên đến 90 người. Số lượng có thể ít hơn vào những ngày thời tiết không ủng hộ, nhưng chưa hôm nào nhóm "Làm sạch đẹp hồ Gươm với Ninomiya" bỏ lỡ. Bà Minh Phương - trưởng nhóm - chính là người phụ trách xử lý rác thải và chụp lại những hình ảnh của các tình nguyện viên để lưu lại hành trình ý nghĩa của mọi người.
Bà Minh Phương tích cực tham gia các hoạt động do hội cựu sinh Úc do chương trình Aus4Skills hỗ trợ.
Bà nói thêm: "Thành viên của nhóm đa dạng đối tượng, từ người Việt đến người Nhật, từ người trẻ đến người cao tuổi, từ sinh viên tới doanh nhân... Chỉ cần muốn đóng góp công sức để làm đẹp thủ đô, họ đều có thể tham gia với nhóm. Có những gia đình tuy ở rất xa nhưng cũng tới đây vào mỗi cuối tuần để rèn cho con cái ý thức bảo vệ môi trường ngay từ nhỏ".
Đặc biệt, kinh phí hoạt động và phương tiện phục vụ việc dọn rác như găng tay, túi giấy, kẹp... đều do các thành viên đóng góp. Trước giờ dọn rác, nhóm sẽ đặt bộ dụng cụ trên đường để bất cứ ai đều có thể tham gia. Hoạt động thường diễn ra trong 30 phút, nhưng lượng rác thu gom được có thể lên tới hàng chục kg. Quan trọng hơn, hành động này đã góp phần thay đổi ý thức của người dân thủ đô trong việc bỏ rác đúng nơi quy định.
"Thời gian đầu, mọi người cũng thắc mắc chúng tôi dọn rác có được hỗ trợ về tài chính không. Tôi nói đây là việc tình nguyện, thậm chí còn bỏ tiền túi để đóng góp thay vì kêu gọi kinh phí. Song, chính sự tự nguyện đó của các thành viên mới là thứ đáng quý, thứ có thể tác động đến mọi người xung quanh", cựu sinh Úc khẳng định.
Bên cạnh việc dọn rác quanh hồ Gươm, bà Minh Phương cũng tích cực tham gia vào nhiều hoạt động của hội cựu sinh Úc do chương trình Aus4Skills hỗ trợ. Tại Việt Nam hiện có hơn 80.000 cựu sinh Úc, trong đó gồm hơn 6.500 người nhận học bổng từ Chính phủ Úc. Họ đều có kiến thức, chuyên môn đóng góp không nhỏ vào việc tăng cường mối liên hệ giữa hai nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!