Núi Hoàng Ngưu Sơn (hay còn gọi là núi Đồng Bò) là đỉnh cao nhất Nha Trang, được mệnh danh là "nóc nhà" của thành phố biển. Với độ cao 972m, từ đỉnh núi, du khách có thể thu trọn vào tầm mắt toàn cảnh Nha Trang hùng vĩ: những bãi biển trải dài tựa dải lụa trắng mịn, những tòa nhà cao tầng. Xa xa, đồng bằng Cam Lâm mở ra như một bức tranh thiên nhiên hài hòa, nơi sắc xanh cây cỏ hòa quyện với màu trời trong vắt, tạo nên một khung cảnh thơ mộng, lay động lòng người.
Từ xa, Hoàng Ngưu Sơn hiện lên với hình dáng tựa một chú trâu đang lao mình ra biển, nên người dân nơi đây đã ưu ái đặt cho nó cái tên đầy mạnh mẽ và huyền bí. Hành trình chinh phục đỉnh núi dài khoảng 6km, không quá xa nhưng đủ thử thách với những con dốc gập ghềnh. Bù lại, mỗi bước chân đều là một trang mới trong cuốn sách thiên nhiên: những con suối róc rách vắt qua triền đá, những đồi cỏ lau mềm mại đung đưa theo gió, và những vách núi cheo leo ẩn chứa bao điều kỳ diệu.
Đỉnh núi Hoàng Ngưu Sơn cao 972 mét. (Ảnh: Huy Khang)
Nếu trời nắng đẹp, bức tranh thành phố biển Nha Trang sẽ hiện lên rực rỡ hơn nữa. (Ảnh: Huy Khang)
Không chỉ là điểm trekking lý tưởng, Hoàng Ngưu Sơn còn là nơi để con người tìm về thiên nhiên và kết nối với chính mình. Gia đình chị Trâm, anh Vinh và bé Nhật Minh đã chọn nơi đây làm điểm đến vào ngày cuối tuần, không chỉ để rèn luyện sức khỏe mà còn để tận hưởng những phút giây sum vầy ý nghĩa. Ba chiếc gậy leo núi được anh chị trang bị để có động lực khám phá nhiều đỉnh núi hơn. "Những chuyến đi như thế này giúp chúng tôi xả stress, thoát khỏi bộn bề cuộc sống và tìm lại sự cân bằng," chị Trâm chia sẻ.
Cậu bé Nhật Minh (13 tuổi) cũng không giấu nổi niềm hào hứng: "Trên đường đi, nhiều lúc con cũng thấy mệt mỏi, nhưng ngồi nghỉ một lúc rồi lại bước tiếp được. Cho đến khi lên đỉnh núi, mọi khó khăn dường như tan biến, con thấy thiên nhiên rất đẹp và lại có động lực để đi tiếp."
Nhật Minh vượt qua những chướng ngại vật. (Ảnh: Giang Châu)
Cả gia đình chụp ảnh lưu niệm dưới gốc cây cổ thụ. (Ảnh: Giang Châu)
Đồi cỏ lau là điểm cắm trại được nhiều người ưa thích. (Ảnh: Giang Châu)
Không chỉ những người đam mê leo núi, nhiều du khách nước ngoài cũng tìm đến Hoàng Ngưu Sơn để hòa mình vào thiên nhiên. Trong đoàn leo núi hôm ấy, chúng tôi còn có cơ hội gặp gỡ anh Nguyễn Bảo Trung – một bác sĩ đang công tác tại TP Hồ Chí Minh. Sau chuyến xe khách xuyên đêm, anh vẫn tràn đầy năng lượng để tham gia hành trình khám phá đỉnh núi. Với anh, mỗi chuyến đi là một cách để tái tạo tinh thần và tìm kiếm cảm hứng sáng tác. Những trải nghiệm giữa núi rừng đã trở thành chất liệu quý giá cho những trang sách của anh.
"Những chuyến đi về với thiên nhiên luôn mang đến cho tôi cảm hứng bất tận, tôi không phải chinh phục đỉnh núi mà là đang về nhà. Cuốn sách mới nhất của tôi là cuốn Ôm Lấy Mình Trong Mưa, viết nhiều về những lần tôi leo lên những đỉnh núi, đỉnh Núi Lớn, đỉnh núi Sơn Trà, đỉnh núi Vũng Chua, đỉnh núi Bà Đen,… Tôi muốn truyền tải tình yêu thiên nhiên đến những ai đang theo dõi tôi và đọc sách của tôi. Hạnh phúc chưa từng là hạnh phúc của riêng tôi, vì khi biết yêu chính mình, tôi cũng học được cách yêu lấy thế giới này, thế nên hãy trân trọng bảo vệ môi trường và bảo vệ nhau", anh Trung chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Bảo Trung nghỉ chân ở một tảng đá nhìn xuống thấy thành phố Nha Trang.
Trên hành trình leo đỉnh Hoàng Ngưu Sơn, chúng tôi đặc biệt thấy biết ơn với những gì bắt gặp trên đường đi. Đó là những dấu hiệu chỉ đường của người đi trước đã để lại giúp cả đoàn đi đúng hướng, là những chiếc cầu gỗ cũng được đóng chắc chắn để người đi sau vượt qua an toàn. Đó còn là những rễ cây cổ thụ hay tảng đá tự nhiên đã vô tình là bệ đỡ giúp con người dễ dàng bước vào thiên nhiên.
Dẫu vậy, dọc trên đường đi, những chai nhựa, túi nilon, ống hút, vỏ kẹo, cốc nhựa một lần vẫn bị vứt bừa bãi, gây mất vệ sinh cảnh quan, ô nhiễm nguồn nước, và rủi ro cho các loài động vật nếu ăn phải. Thế nên, chúng tôi đã cố gắng nhặt rác mang xuống núi. Những hành động nhỏ bé ấy sẽ giúp cung đường trekking trở nên trọn vẹn hơn, để những người đến sau không phải khó chịu khi nhìn thấy rác giữa một bức tranh thiên nhiên đang vốn xinh đẹp. Đó cũng là cách mà đoàn chúng tôi thể hiện sự biết ơn trước vẻ đẹp mãn nhãn mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người.
Một chiếc cầu gỗ tự chế để mọi người di chuyển an toàn hơn. (Ảnh: Huy Khang)
Vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên. (Ảnh: Huy Khang)
Hoa trang (mẫu đơn ta) trên đường leo núi. (Ảnh: Huy Khang)
Du khách thường nghỉ chân và ăn uống ở khu vực suối, tuy nhiên cần có ý thức mang theo rác của mình để giữ vệ sinh môi trường. (Ảnh: Huy Khang)
Để có một chuyến leo núi an toàn và trọn vẹn, du khách cần trang bị giày leo núi có độ bám tốt, chống trơn trượt. Trên đỉnh núi gió lớn, nên mang theo áo gió để giữ ấm. Đặc biệt, cần theo dõi thời tiết để chọn ngày khô ráo, tránh mưa gió gây nguy hiểm.
Mỗi chuyến đi là một câu chuyện, mỗi con đường là một trang sách. Và Hoàng Ngưu Sơn chính là một chương sách tuyệt vời dành cho những ai yêu thích khám phá, muốn tìm về với thiên nhiên để lắng nghe thanh âm của đất trời và những nhịp đập rộn ràng của chính mình.
Hai vận động viên "chinh phục' Hoàng Ngưu Sơn chỉ trong khoảng 2 giờ đồng hồ. (Ảnh: Giang Châu)
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!