Xuất thân là trẻ mồ côi, hơn ai hết, anh Huỳnh Quang Khải thấu hiểu nỗi cơ cực của những đứa trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ. Chính vì thế, suốt 15 năm qua, lớp học tình thương Ngọc Việt tại Quận 12, TP. Hồ Chí Minh do anh gây dựng cứ thế chào đón những đứa trẻ khó khăn, với mong muốn tất cả những đứa trẻ đều được sống một cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy.
Một lớp học chỉ dành cho những đứa trẻ nghèo, mồ côi, bán vé số... Một lớp học đầy đủ các chức năng: dạy học, nấu cơm, cắt tóc... Suốt 15 năm qua, lớp học tình thương Ngọc Việt vẫn luôn chào đón những em nhỏ tìm đến, bởi ở đây không chỉ có niềm vui học con chữ.
Hành trình lèo lái lớp học của thầy Khải không cô độc bởi luôn có sự đồng hành của vợ, cùng nhau vun vén cho lớp học này.
"Ở đây có các con là niềm vui. Anh đi công tác thì mình dạy thay, rồi mình nấu cơm cho tụi trẻ" - Chị Nguyễn Thị Thanh Hà - vợ anh Nguyễn Quang Khải chia sẻ - "Chúng gắn bó như là con mình. Rày có, la có nhưng mà tình thương mình dành cho tụi trẻ chẳng kém gì con mình".
Không chỉ là nơi dạy chữ, lớp học này đã trở thành ngôi nhà thứ 2 cho những đứa trẻ khó khăn; từ sáng đến tối chúng ở lại đây, cùng ăn cùng học. Cứ độ dăm bữa nửa tháng, tiệm cắt tóc thầy Khải lại tấp nập những khách hàng của lớp học. Tình cảm cứ thế lớn dần, không biết từ bao giờ, thầy Khải - cô Hà đã trở thành người cha người mẹ gắn bó với lũ trẻ này đến vậy.
Em Nguyễn Ngọc Như Lan, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh bày tỏ: "Con thấy ở đây như là ngôi nhà thứ 2 của con. Con rất hạnh phúc".
4 ngày một tuần, một vài đứa trẻ trong lớp học được thầy Khải cho đi bán bánh mỳ cùng. Cứ 5h sáng, xe bánh mỳ chàng béo lại được mấy thầy trò dọn bán.
Em Nguyễn Quang Hải - Quận 12, TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Con được thầy Khải dạy cho cách chiên chả cá. Hồi đầu không quen nhưng dần con cũng làm được".
Anh Huỳnh Quang Khải mong muốn dạy cho tụi trẻ cái nghề để sau này không học ở đây nữa thì cũng có nghề mưu sinh.
Những chiếc bánh mì trong ngày bán không hết, được tặng lại cho những người nhặt ve chai, những công nhân khuân vác... Không chỉ được dạy cho cái nghề, mà lũ trẻ này còn được dạy cho cách yêu thương và chia sẻ.
"Tôi chỉ mong lớp học này không tồn tại, bởi như vậy nghĩa là không còn trẻ em cơ cực nữa. Thế nhưng còn 2 hay 1 em đi chăng nữa thì tôi vẫn sẽ tiếp tục công việc này" - anh Khải chia sẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!