Trong hành trình truyền cảm hứng lần này, WeChoice Awards 2018 kể với khán giả câu chuyện về một lớp học đặc biệt. Ở đó, thầy và trò khác màu da, khác ngôn ngữ; lớp học không có bảng đen phấn trắng, chỉ có vài chiếc ghế, chiếc bàn, vài ba học sinh người Trung Phi và thầy giáo người Việt mặc quân phục.
Năm 2017, Trung tá Lê Ngọc Sơn (Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Quốc phòng) là một trong 5 sĩ quan được cử sang Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Tại đây, bên cạnh nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, người quân nhân ấy đã trở thành thầy giáo dạy học cho những đứa trẻ nghèo khó, thắp sáng lớp học tối tăm không ánh điện bằng tấm lòng nhân ái, yêu hòa bình.
Những năm gần đây, Cộng hòa Trung Phi được biết đến như một chảo lửa với đầy bất ổn về chính trị và kinh tế. Nội chiến liên miên ở đất nước gần 5 triệu dân này khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải lánh nạn ở các quốc gia láng giềng. Nội chiến, bạo lực, xung đột sắc tộc liên miên khiến đường đến trường của trẻ em nơi đây vô vùng khó khăn.
Hiểu được những vất vả trẻ em Trung Phi đang phải trải qua và tầm quan trọng của giáo dục đối với các em, Trung tá Lê Ngọc Sơn đã dành nhiều tâm huyết để mở lớp học cho những học trò nhỏ, bỏ qua nhiều tiềm ẩn nguy hiểm.
"Tôi đi dạy học vì tôi thấy trẻ em Cộng hòa Trung phi rất vất vả, các con không có điều kiện học hành, mà mình lại có khả năng dạy được, nên tôi muốn hỗ trợ các con. Khi tôi dạy học như thế Liên Hợp Quốc có khuyến cáo là không nên bởi lo sợ rằng có thế lực nào đó chụp ảnh lại, cắt ra những hình ảnh rồi nói tôi đi tuyên truyền những cái xấu, Liên Hợp Quốc có nhiều kinh nghiệm trong việc này nên họ rất hiểu. Nhưng trong buổi giao ban toàn Phái bộ tôi đã trình bày rõ, đồng thời liên kết thêm với nhiều tổ chức nhân đạo, từ đó tôi đã mở được 6 lớp học" - Trung tá Sơn chia sẻ.
Những lớp học đậm tình thương của người thầy quân nhân được mở ra chỉ với vài ba chiếc ghế, không có sách giáo khoa, vở mới và hoàn toàn không có đèn. Hình ảnh học trò nằm dài trên ghế tập viết, nhìn chữ trong trời tối đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng Trung tá Sơn.
Bất đồng ngôn ngữ trở thành cản trở lớn nhất của thầy trò. Thầy Sơn chỉ biết tiếng Anh, còn học trò trong lớp lại nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Sự bất đồng về ngôn ngữ khiến anh phải tự học tiếng Pháp như học trò để có thể giao tiếp. Dù đôi lúc phải nhờ đến sự giúp đỡ của thông dịch viên, thế nhưng những câu chuyện giữa người thầy giáo và những cô cậu học trò đã ngày càng dễ dàng bởi họ đều hiểu ý của nhau thông qua những cử chỉ và diễn đạt đơn giản.
Lớp học với những đứa trẻ khác màu da, khác ngôn ngữ đã để lại trong trung tá Sơn nhiều niềm vui lẫn kỷ niệm trong đời. Khi hoàn thành nhiệm vụ tại MINUSCA và trở về Việt Nam, anh giữ gìn cẩn thận món quà là bức tranh vẽ lá cờ Cộng hòa Trung phi, là mẩu đá có vẽ khuôn mặt "thầy" Sơn và cả một bức thư với nét chữ nguệch ngoạc, dính bùn đất của những học trò ấy.
"Khi chúng tôi làm nhiệm vụ ở nước ngoài, lòng yêu nước và tình yêu thương con người tăng lên rất nhiều. Khi ra nước ngoài, người Việt Nam mình khác với những người khác, sĩ quan Việt Nam sang đó giúp đỡ người dân, dạy học, hướng dẫn người dân cách trồng rau, làm vườn, xách nước, bổ củi... Chỉ có người Việt Nam mới làm những điều đó mà sĩ quan các nước thì không. Khi tôi chuẩn bị về nước, Phái bộ đánh giá, nhận xét thì tôi mới biết thì ra người Việt Nam khi ra nước ngoài lại được quý mến, tôn trọng đến thế" - Trung tá Lê Ngọc Sơn chia sẻ.
Không chỉ dạy kiến thức, những người thầy với bộ quân phục xanh ấy đã dạy kỹ năng sống và truyền niềm tin cho các học trò rằng: "Các em có thể làm được nhiều việc để thay đổi cuộc đời của chính mình. Rằng khi có niềm tin, sự quyết tâm, lòng kiên trì các em nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn để có một tương lai xứng đáng với những nỗ lực đó".
Mời quý vị đón xem các số tiếp theo của chương trình "WeChoice Award 2018 - Hành trình truyền cảm hứng" vào 17h40 thứ Tư và Chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV1.