Những ngày vừa qua, Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận đã trải qua thời điểm nắng nóng gay gắt. Có những ngày nhiệt độ được ghi nhận lên đến hơn 40 độ C, nhiệt độ ngoài mặt đường vượt ngưỡng 60 độ C do bức xạ và phương tiện giao thông xả ra.
Theo các chuyên gia môi trường, mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội mặc dù đang ở ngưỡng nặng nhưng chưa đến ngưỡng nguy hiểm đáng báo động như nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, người dân vẫn phải cảnh giác bụi PM 2.5 tăng cao trong không khí trong những ngày nắng nóng, xâm nhập nhiều vào cơ thể.
Được biết, vào những ngày mưa, không khí ít bụi mịn hơn nhưng hiện Hà Nội đang có những đợt nắng nóng dài ngày khiến tỷ lệ bụi PM 2.5 tăng cao trong không khí. Cụ thể, quan trắc tại Hà Nội có những thời điểm trong ngày nắng nóng ghi nhận chỉ số AQI của bụi PM 2.5 lên ngưỡng là kém 125, bụi lơ lửng là 200. Dù đây là số liệu ghi nhận trong một thời điểm tức thời, không có ý nghĩa lâu dài nhưng cũng đủ để cho thấy loại bụi nguy hiểm này có xu hướng tăng cao trong những ngày thời tiết khô nóng. Do đó, người dân nên hạn chế ra đường trong những ngày nhiệt độ cao, đặc biệt là người có bệnh phổi, tim mạch rất dễ bị ảnh hưởng.
Để tránh những tác động của nắng nóng lên cơ thể, người dân cũng cần trang bị vật dụng chống nắng như mũ rộng vành, đeo kính râm, mặc áo chống nắng, khẩu trang sáng màu, kem chống nắng...
Các chuyên gia sức khỏe cũng đưa ra lời khuyên, trong những ngày nắng nóng, cơ thể tiết nhiều mồ hôi dẫn đến mất nước, mất điện giải và gây ra rối loạn nhịp tim, mọi người nên uống thêm nước để bù đắp lại cho cơ thể. Với những lao động ngoài trời nên uống 4 cốc nước mát mỗi giờ và hạn chế làm việc ngoài trời nắng từ 11 giờ đến 15 giờ. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, cần có biện pháp bảo vệ vật lý gồm mũ, kính râm, ô, khẩu trang, găng tay, tất, quần áo sậm màu và trú dưới bóng râm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!