Ghi nhận vào tháng 6/2023 cho thấy Mặt Trời có số lượng vết đen cao nhất trong hơn 2 thập kỷ (Ảnh: NASA/SDO/Met Office).
Mặt Trời đang có những diễn biến phức tạp, với cường độ hoạt động nhanh hơn đáng kể so với các dự báo trước đó từ NASA và Cơ quan Khí quyển & Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA).
Cụ thể, các báo cáo dự đoán số lượng vết đen trên Mặt Trời sẽ chỉ đạt mức trung bình hàng tháng là 125 trong năm 2023. Tuy nhiên, chỉ trong tháng 6, Mặt Trời đã tạo ra hơn 160 lỗ đen, và con số có thể tăng thành 200 trong năm nay.
Điều này làm dấy lên mối lo ngại về các sự kiện thời tiết không gian cực đoan, khắc nghiệt sẽ diễn ra trong những tháng sắp tới. "Đây là số lượng vết đen trung bình hàng tháng cao nhất kể từ tháng 9/2002", nhà vật lý năng lượng Mặt Trời Keith Strong chia sẻ trên Twitter.
Trước đó vào ngày 2/7, Spaceweather cho biết, một trong số những vết đen này đã tạo ra một vết lóa Mặt Trời cực mạnh, xuất hiện dưới dạng một tia sáng tràn đầy năng lượng. Nó là nguyên nhân gây ra sự cố mất điện vô tuyến tạm thời ở miền Tây nước Mỹ và phía trên Thái Bình Dương cùng ngày.
Theo dự đoán của tổ chức này, những sự kiện như vậy có thể trở nên phổ biến hơn trong tương lai gần, khi chu kỳ Mặt Trời đạt đến cực đại.
Ở một diễn biến khác, NASA và NOAA đều cho rằng việc có nhiều vết đen Mặt Trời không chỉ làm xuất hiện thêm nhiều vết lóa, mà còn làm tăng số lượng các vụ phun trào ở vành nhật hoa (CME).
Chúng là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới các cơn bão Mặt Trời, làm đe dọa thời tiết trên Trái Đất. Không chỉ vậy, các cơn bão Mặt Trời còn gây ra các vấn đề nghiêm trọng đối với lưới điện và vệ tinh trên quỹ đạo của Trái Đất.
Còn nhớ vào tháng 10/2003, một cơn bão Mặt Trời cực lớn đã tấn công Trái Đất, khiến hàng trăm vệ tinh và tàu vũ trụ mất liên lạc trong vài ngày. Điều này xảy ra do sự gia tăng mật độ khí trong các tầng cao nhất của bầu khí quyển, nơi có nhiều vệ tinh, cũng như Trạm Vũ trụ Quốc tế, trú ngụ.
Theo các chuyên gia, tình huống như vậy có thể dẫn đến một sự hỗn loạn tại quỹ đạo tầm thấp, và kéo dài trong hàng tuần, cùng với rủi ro va chạm với các mảnh vỡ trôi nổi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!