Trái Đất biến đổi sau khi bị bão Mặt Trời tấn công

Theo Dân trí-Thứ hai, ngày 26/06/2023 18:43 GMT+7

Hiện tượng cực quang xảy ra rực rỡ trên bầu trời Trái Đất báo hiệu chúng ta đang đón nhận những cơn bão Mặt Trời (Ảnh: Shutterstock).

VTV.vn - Các cơn bão địa từ liên tiếp khiến nhiệt độ bầu khí quyển của Trái Đất tăng đột biến, ở mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.

Theo Space đưa tin, tầng khí quyển của Trái Đất gần đây đã đạt kỷ lục mới về nhiệt độ, sau khi hấp thụ năng lượng từ các cơn bão Mặt Trời (hay bão địa từ) hoạt động dữ dội thời gian qua.

Martin Mlynczak, nhà nghiên cứu thuộc sứ mệnh TIMED tại Trung tâm Nghiên cứu của NASA cho biết: "Chỉ số Khí hậu Nhiệt quyển (TCI) tăng đột biến vào ngày 10/3, đạt đỉnh 0,24 TW (Chú thích: 1 TW tương đương với 1 nghìn tỷ watt). Được biết, lần cuối cùng chỉ số TCI cao như vậy là vào ngày 28/12/2003.

Theo vị chuyên gia này, nguyên nhân khiến nhiệt độ tầng khí quyển Trái Đất tăng đột biến là do 3 cơn bão địa từ xảy vào tháng 1 và tháng 2. Chúng đã gây ra những xáo trộn lớn đối với từ trường của Trái Đất.

Mlynczak cho biết những cơn bão này tích tụ năng lượng trong tầng điện li, rồi khiến nó nóng lên bởi sự gia tăng của mức độ phát xạ hồng ngoại từ oxit nitric và carbon dioxide.

Thông thường, bức xạ hồng ngoại sau một cơn bão Mặt Trời sẽ làm mát tầng điện li, nhưng do các cơn bão xảy ra liên tiếp, đã khiến nhiệt độ luôn duy trì ở mức cao và không giảm bớt.

Trái Đất biến đổi sau khi bị bão Mặt Trời tấn công - Ảnh 1.

Biểu đồ cho thấy giá trị TCI tăng và giảm theo mỗi chu kỳ hoạt động mạnh mẽ của Mặt Trời (Ảnh: NASA).

Kể từ khi nhiệt độ tầng khí quyển tăng đột biến, ít nhất đã có thêm 2 cơn bão địa từ nữa tấn công hành tinh của chúng ta. Một cơn bão xảy ra vào ngày 24/3, là cơn bão mạnh nhất tấn công Trái Đất trong hơn 6 năm. Một cơn bão khác diễn ra vào ngày 24/4.

Các nhà khoa học từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) từng dự đoán cực đại năng lượng Mặt Trời tiếp theo sẽ đến vào năm 2025.

Điều đó đồng nghĩa với việc xu hướng nóng lên của tầng khí quyển có thể sẽ tiếp tục kéo dài trong vài năm tới, gây ra những ảnh hưởng đến hoạt động của vệ tinh quay quanh Trái Đất.

"Tầng nhiệt mở rộng khi nóng lên, dẫn đến lực cản khí động học gia tăng trên tất cả các vệ tinh, cũng như ở các mảnh vỡ không gian", Mlynczak lý giải. "Điều này có thể kéo các vệ tinh lại gần Trái Đất hơn, khiến chúng va vào nhau hoặc văng ra khỏi quỹ đạo vốn có".

Điều tương tự từng xảy ra với các vệ tinh của SpaceX Starlink vào tháng 2/2022 sau một cơn bão địa từ xảy ra bất ngờ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước