Hiện nay, các đồ điện gia dụng sử dụng trong nhà bếp đã hỗ trợ chị em rất nhiều trong công việc nội trợ. Nồi cơm điện, lò vi sóng, ấm đun nước, tủ lạnh… ngày càng trở nên thông dụng, nhưng cũng đồng nghĩa với việc tiêu thụ khá nhiều điện năng trong gia đình.
Một số mẹo nhỏ đáng lưu tâm trong sử dụng những thiết bị này để tiết kiệm điện là nội dung chúng tôi muốn chia sẻ trong bài viết sau đây.
1. Nồi cơm điện
Nồi cơm điện được cấu tạo bởi một bếp điện và các linh kiện điện tử tắt tự động. Vì thế, bạn nên:
- Chọn mua loại có công suất và dung tích phù hợp với nhu cầu của gia đình. Nồi có công suất và dung tích nhỏ thường tiết kiệm hơn.
- Lau khô mặt ngoài của xoong nấu trước khi đặt vào nồi để giữ sạch đĩa nhiệt và bộ cảm ứng nhiệt, đồng thời tránh tiếng kêu khi cấp nhiệt.
- Khi đặt xoong nấu vào nồi nên dùng cả hai tay, xoay nhẹ để đáy nồi tiếp xúc với tấm tăng nhiệt. Nếu chỉ dùng một tay có thể làm hỏng rơle của nồi vì thiết kế của đáy xoong hơi lõm nên việc đặt bằng một tay dễ làm rơle tiếp xúc không đều.
- Ngâm gạo một lúc trước khi bật nồi và dùng nước nóng nấu cơm có thể tiết kiệm 30% điện năng. Chỉ nấu cơm trước khi ăn từ 30 đến 45 phút. Khi nấu, không mở nắp nồi. Hạn chế việc để cơm hâm liên tục trong nồi tránh làm giảm tuổi thọ của nam châm bên trong khiến rơle bật tắt không chính xác.
2. Tủ lạnh
Tủ lạnh là thiết bị tiêu thụ khá nhiều điện so với các thiết bị khác trong gia đình, vì thế:
- Nên chọn tủ lạnh có dung tích vừa phải, đủ dùng cho số người trong gia đình.
- Đặt tủ nơi thoáng mát, cách tường ít nhất 10cm, tránh xa nguồn nhiệt.
- Khi thực phẩm trữ lạnh trong tủ không nhiều, nên điều chỉnh cấp độ làm lạnh ở mức trung bình hoặc thấp sẽ tiết kiệm điện hơn.
- Khi sắp xếp đồ trong tủ lạnh, nên để có khoảng cách để khí lạnh đối lưu, lượng điện hao tổn giảm xuống. Không nên để thực phẩm bít kín chỗ thổi hơi lạnh ra hoặc chất quá nhiều, chật kín các ngăn trong tủ.
- Các loại thịt, cá tươi sống nên cho vào hộp bằng thép hoặc inox thay thế cho hộp nhựa, bởi tính dẫn lạnh của kim loại nhanh hơn, thời gian làm lạnh rút ngắn, ít hao điện.
- Hạn chế mở cửa tủ lạnh liên tục vì khi mở cửa không khí lạnh bên trong tủ sẽ đối lưu rất nhanh với không khí nóng bên ngoài tủ, làm cho nhiệt độ trong tủ cao lên. Khi đó, bộ phận làm lạnh phải tăng thời gian hoạt động gây hao điện.
- Không cho những đồ còn nóng vào tủ lạnh. Nếu cho vào khi còn nóng sẽ làm nhiệt độ trong tủ tăng lên quá nhanh, làm điện hao nhiều hơn.
- Cần vệ sinh tủ lạnh thường xuyên. Lau chùi phần gioăng cao su ở cửa tủ lạnh cẩn thận sẽ giúp phần cao su giữ được độ bền, tủ đóng khít, tránh thất thoát hơi lạnh nhiều gây hao điện.
3. Lò vi sóng
Người sử dụng lò vi sóng cần lưu ý những điểm sau:
- Không bật lò trong phòng có máy điều hòa nhiệt độ và tránh xa các thiết bị điện khác. Đặc biệt, không nên đứng gần khi lò đang hoạt động.
- Dùng đồ đựng thực phẩm chuyên dụng cho lò vi sóng. Tránh dùng đồ kim loại hoặc bát đĩa có hoa văn kim loại vì chúng hút nhiệt, làm thực phẩm lâu chín, gây hao điện và có thể dẫn đến cháy nổ.
- Luôn đóng kín cửa lò khi hoạt động, tránh thất thoát sóng vi ba ra ngoài, làm giảm hiệu quả của lò, hao điện và nhất là có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
4. Ấm đun siêu tốc
Để đun nước, sử dụng ấm siêu tốc tốn ít điện hơn so với phích đun. Để tăng khả năng trao đổi nhiệt của ấm siêu tốc, nên:
- Thường xuyên lau chùi ấm sạch sẽ, không để nhiều cặn, rỉ sét…
- Khi đun nước nhớ đậy nắp vung thật kín để nhanh sôi và điện tự ngắt khi đủ 100 độ C. Tránh đun nước trong phòng có điều hòa hoặc trước luồng gió của quạt.
- Nên chọn mua các loại ấm điện có dung tích phù hợp và thương hiệu đảm bảo tiết kiệm để vừa không lãng phí điện, vừa không phải đun nước nhiều lần trong ngày.
- Không đổ nước đến vạch cao nhất trên bình chỉ dẫn nếu không khi sôi, nước đầy sẽ bị trào ra ngoài. Cũng không đổ nước ở vạch thấp nhất, dưới 0,1 lít để tránh nước đóng cặn khi sôi.
- Không di chuyển ấm khi đang đun nước.