Một công ty nghiên cứu thị trường từng đưa ra dự đoán rằng ngành công nghiệp miếng dán vitamin toàn cầu sẽ tăng trưởng từ 6,6 tỷ USD lên 10,4 tỷ USD trong thập kỷ tới. Tuy nhiên xung quanh hiệu quả thực sự của loại sản phẩm này đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều.
Những công ty sản xuất cho rằng, miếng dán vitamin là giải pháp hữu ích cho những người muốn bổ sung vitamin nhưng lại khó uống thuốc vì nhiều lý do như hay quên uống thuốc theo chỉ định, những người đang trong quá trình điều trị đặc biệt như hậu phẫu, rối loạn tiêu hóa... Không những thế sản phẩm này còn có thể có những thiết kế bắt mắt, tạo dấu ấn cá tính cho người sử dụng, mang đến sự vui vẻ, hứng thú, cảm giác mới mẻ thay vì việc uống thuốc thường ngày. Những miếng dán cung cấp đa dạng về nhu cầu vitamin từ D đến B12, đến vitamin tổng hợp... Để tăng hiệu quả, miếng dán thường được dán ở những vùng tập trung tĩnh mạch chẳng hạn như mặt trong cổ tay, để chúng có thể được hấp thụ nhanh hơn.
Nhiều người gặp khó khăn với việc uống thuốc viên (Ảnh: stock.adobe)
Tuy nhiên cơ chế hoạt động của da lại như "hàng rào" được thiết kế để ngăn cản sự thâm nhập vì thế nhiều chuyên gia cho rằng, nếu vitamin thực sự truyền từ miếng dán vào cơ thể qua da thì lượng hấp thụ được ở mức nào vẫn còn là dấu hỏi lớn. "Miếng dán không thể chứa nhiều vitamin và khoáng chất như viên thuốc" - Nial Wheate, Giáo sư tại Khoa Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Macquarie (Úc) cho biết.
Trong khi hiệu quả vẫn còn tạo nên tranh cãi, thì đã có những cảnh báo về tác dụng phụ của việc sử dụng miếng dán dẫn đến kích ứng, dị ứng da, viêm da. Vì thế việc sử dụng miếng dán nói riêng và việc bổ sung vitamin nói chung nên được tìm hiểu cẩn trọng với sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ để đáp ứng đúng, đủ nhu cầu của cơ thể.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!