1. Sử dụng vật liệu sáng màu
Với không gian sống nhỏ, bạn nên sơn tường trắng và ốp gạch men bóng. Các vật liệu bóng bẩy, sáng màu có tác dụng như một tấm gương. Chúng sẽ phản chiếu ánh sáng và mang đến cảm giác thoáng đãng cho ngôi nhà.
Việc sử dụng một tông màu trung tính thống nhất cho toàn bộ không gian cũng có tác dụng đánh lừa thị giác. Tuy nhiên, bạn nên kết hợp nhiều chất liệu nội thất khác nhau để mang đến chiều sâu cho căn phòng.
2. Trang bị đủ ánh sáng
Ánh sáng vừa có tác dụng trang trí cho không gian sống của bạn, vừa giúp xóa bỏ cảm giác bí bách. Vì vậy, bạn nên lưu ý trang bị đủ nguồn sáng cho những căn phòng nhỏ, nhưng không nhất thiết phải dùng đèn điện. Hãy tận dụng ánh sáng tự nhiên. Bạn có thể lắp một cửa sổ nhỏ trong phòng tắm chẳng hạn.
3. Không cần ngăn cách toàn bộ các không gian sinh hoạt
Đừng tự giới hạn tầm nhìn của bản thân bằng những bức tường. Bạn nên giữ lại một chút liên kết giữa các căn phòng để không gian sống trông thoáng đãng hơn.
Bạn có thể thay tường gạch bằng những vách ngăn kính hoặc tấm bình phong. Cửa trượt âm tường cũng là một sản phẩm đáng cân nhắc. Khi không sử dụng, bạn có thể đẩy gọn chúng vào trong và nới rộng không gian sinh hoạt.
4. Thể hiện phong cách cá nhân ở mọi nơi
Một ngôi nhà nhỏ không thể chứa tất cả đồ trang trí yêu thích của bạn. Thay vào đó, hãy làm đẹp cho mọi vật dụng có sẵn trong nhà. Mọi người thường gắn ảnh gia đình hoặc nam châm lưu niệm lên cửa tủ lạnh. Bạn cũng có thể dùng giấy dán tường gỡ được để "thay áo" cho tủ lạnh.
5. Thiết kế nội thất linh hoạt
Không gian sống nhỏ đồng nghĩa với việc bạn phải hạn chế mua những món đồ nội thất cồng kềnh. Thay vào đó, bạn có thể tận dụng chiếc ghế thừa trong nhà để làm bàn phụ (đặt cạnh giường hoặc sofa). Bạn cũng nên lắp đèn treo tường thay cho đèn đứng.
Một bộ sofa thường đi kèm ghế phụ, nhưng chúng ta chẳng mấy khi dùng đến nó nếu không có khách. Bạn có thể thay thế nó bằng loại ghế có thể xếp gọn để tiết kiệm không gian. Ti vi cũng là thiết bị chiếm khá nhiều diện tích trong phòng khách. Bạn có thể treo ti vi lên tường hoặc "giấu" nó sau một bức tranh.
6. Sử dụng nội thất đa năng
Nội thất đa năng là lựa chọn hàng đầu để tiết kiệm không gian sống. Bạn có thể chọn mua một chiếc bàn ăn có thể dùng như bàn làm việc, hoặc một chiếc sofa có thể mở ra thành giường ngủ. Trên thị trường hiện nay cũng có rất nhiều nội thất thông minh, ví dụ như bàn trà có thể lắp ghép thành vài chiếc ghế.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên tận dụng tối đa chức năng của từng món đồ nội thất. Trong phòng ngủ, thay vì mua một chiếc ghế cuối giường để trang trí, bạn nên đặt một bộ bàn ghế nhỏ. Bạn có thể dùng nó khi làm việc, trang điểm mỗi sáng và nhiều việc khác nữa.
7. Tận dụng không gian
Thay vì đặt tủ sách trong phòng làm việc, bạn nên cân nhắc gắn một chiếc kệ nhiều tầng lên tường. Việc này giúp bạn tiết kiệm diện tích sàn trống, đồng thời tạo cảm giác trần nhà cao hơn.
Trong một ngôi nhà nhỏ, từng cm đều quý giá. Bạn còn có thể tận dụng khoảng trống dưới gầm ghế hoặc giường để làm nơi cất giữ đồ đạc. Ngay cả bệ cửa sổ cũng có thể trở thành nơi để bạn đặt đồ trang trí, đèn bàn hoặc các vật dụng linh tinh khác.
8. Sử dụng gương
Đây là một trong những mẹo mở rộng không gian sống phổ biến nhất. Khả năng phản chiếu của gương sẽ giúp ngôi nhà của bạn có vẻ rộng rãi và sáng sủa hơn. Một chiếc gương với thiết kế bắt mắt cũng giúp bạn thể hiện phong cách cá nhân mà không chiếm nhiều diện tích.
9. Đặt một vài vật dụng cỡ lớn trong nhà
Nghe có vẻ vô lý nhưng việc đặt một vài vật dụng có kích thước lớn trong nhà, ví dụ như giường ngủ cỡ lớn, có thể giúp bạn mở rộng không gian sống về mặt thị giác. Bạn không nên đẩy tất cả mọi thứ vào sát tường. Nếu bạn để lại khoảng trống phía sau những món đồ nội thất, căn phòng sẽ trông rộng rãi hơn so với thực tế. Mặt khác, bạn cũng không nên "lấp đầy" tổ ấm của mình với những vật dụng nhỏ. Quá nhiều đồ đạc sẽ tạo ra cảm giác rối mắt và chật chội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!