Giờ đây khi đã sống ở TP Hà Nội nhưng món quà đặc biệt ngày 20/11 cách đây 38 năm của các em học sinh ở vùng quê nghèo vẫn mãi là kỷ niệm đẹp đẽ mà cô giáo Nguyễn Thành không thể nào quên. Khi ấy, cô gái trẻ Nam Định đã về dạy học ở vùng quê nghèo Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường. Tình cảm của các em học sinh nơi vùng quê nghèo này đã níu chân cô giáo trẻ.
Dịp 20/11/1980, chiều Chủ nhật, chồng cô Thành đã đưa vợ từ thành phố trở lại trường sau ngày nghỉ cuối tuần. Khi vào đến khu nội trú dành cho giáo viên, hai vợ chồng cô Thành sững người vì các em học sinh lớp 6 của cô khoảng 5-6 em cả trai, cả gái ngồi chờ sẵn ở cửa phòng. Nhìn dáng các em có vẻ mệt mỏi vì đã chờ quá lâu, sau thoáng lặng người đi, cô Thành nghèn nghẹn cất tiếng xin lỗi vì không nghĩ các trò đến chúc mừng nhân ngày 20/11.
Nhìn lũ trò nhỏ mà khóe mắt cô rưng rưng. Các em đều bé nhỏ gầy gò, đen nhẻm so với tuổi, bởi ngoài đi học, về nhà các em còn phải chăn trâu, cắt cỏ, thậm chí xuống ruộng để phụ giúp cha mẹ.
Trong cái gió mùa Đông Bắc đầu mùa, đám học trò nhỏ của cô run lên vì những tấm áo phong phanh. Trong lũ trẻ, có đứa dép rách một chiếc phải tạm đi đất, có đứa thì bàn chân nứt nẻ vì cái rét hanh.
Sau khi tất cả vào nhà, đám học trò nhỏ bẽn lẽn nói: "Chúng em... chúc mừng cô... ngày 20/11. Chúc cô mạnh khỏe và dạy chúng em tốt ạ!". Rồi các em lần lượt đặt lên bàn cô món quà từ "cây nhà, lá vườn" và đùn đẩy nhau: "Chúng em có chút quà ... để ...tặng cô ạ ..!".
"Các em đừng ra vườn của bố mẹ mà hái như vậy! Cô chỉ cần các em học hành chăm ngoan, giỏi giang, lúc nào thăm cô hay gặp cô hỏi bài là cô vui rồi" - cô Thành trìu mến đáp lời học sinh. Thấy chúng lúng túng, cô bèn bảo: "Thôi đã vậy, cô cảm ơn các em! Bây giờ mình cùng liên hoan nhé!".
Cô giáo và chồng nhìn những cái cặp sách đã sờn cũ, toạc chỉ may lòi cả mấy dóng mía, nải chuối, quả đu đủ mà càng thấy thương lũ nhỏ .
Các em không có hoa cũng chẳng có những tấm thiếp kiểu cách, in màu đẹp để ghi những lời chúc tụng trịnh trọng như ngày nay nhưng đầy tình cảm trong sáng, hồn nhiên. Thứ tình cảm không ẩn ý, chân chất như khoai lúa nơi quê mùa các em lớn lên , đến trường học con chữ , học làm người mai sau .
Trước khi về, cô còn đưa một đôi dép của cô và một đôi xin của cô khác cho 2 học trò nam đi chân đất. Cô cũng tìm được hai cái khăn cũ cho các em quàng tạm...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!