Ngày 28/3, Tổ chức Rainforest Alliance, Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak), Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai) và các đối tác đã tổ chức Hội thảo tổng kết chương trình Nâng cao nhận thức nhằm hạn chế lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê tại Việt Nam.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các Bộ, ban, ngành trung ương và địa phương; các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực cà phê và quyền trẻ em.
Sau gần 3 năm thực hiện, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền trẻ em, lao động trẻ em và hạn chế tình trạng lao động trẻ em xảy ra ở địa phương như: thành lập 34 câu lạc bộ trẻ em với 519 thành viên, hoạt động định kỳ hàng quý với các hoạt động đọc sách, trò chơi hoạt náo, vẽ tranh trên túi vải, trồng hoa; trao tặng 400 bộ sách giáo khoa, 2 thư viện lưu động cho các trường học.
Thông qua chương trình đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 45 thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn; tập huấn kỹ thuật canh tác cà phê và tặng mô hình sinh kế cho 1.500 nông dân; thành lập 37 tổ bảo vệ trẻ em với 154 thành viên ở các thôn, buôn nhằm xử lý các vấn đề có thể xảy ra tại địa phương như trẻ em bị xâm hại, bạo hành...
Ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc quốc gia Tổ chức Rainforest Alliance tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Chia sẻ của các liên quan từ Chương trình Nâng cao nhận thức nhằm hạn chế lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê tại Việt Nam.
Chương trình "Nâng cao nhận thức nhằm hạn chế sử dụng lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê tại Việt Nam" do tổ chức Rainforest Alliance phối hợp triển khai thực hiện từ tháng 4/2022 đến tháng 12/2024, tại 6 xã, gồm: Glar, A Dơk, Đak Krong (huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai); Ea Toh, Ea Tân, Dliê Ya (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk).
Mục tiêu của chương trình nhằm cải thiện sinh kế và cân bằng giới trong việc ra quyết định của nông hộ, cải thiện hiệu quả học tập cho trẻ em và cơ hội việc làm cho thanh thiếu niên, hỗ trợ doanh nghiệp cà phê giải quyết vấn đề lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng và phối hợp với các cơ quan hữu quan, doanh nghiệp, đối tác để thực hiện chính sách bảo vệ trẻ em, lao động trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ & Trẻ em trao học bổng tại chương trình.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thiết, Giám đốc quốc gia Tổ chức Rainforest Alliance tại Việt Nam cho biết, trong phát triển ngành hàng cà phê bền vững, ngoài khía cạnh kinh tế, môi trường còn có khía cạnh về xã hội, trong đó có bình đẳng giới, hạn chế lao động trẻ em, chăm sóc những gia đình khó khăn và không được phá rừng.
Để đạt được chứng nhận Rainforest Alliance thì một trong những yêu cầu là cấm sử dụng lao động trẻ em. Và hiện nay, cấm sử dụng lao động trẻ em là xu thế, không chỉ ngành hàng cà phê mà một số ngành hàng khác như may mặc. Do đó, các vùng trồng cà phê bền vững ở Việt Nam cần phải tuân thủ quy định này để bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu của sản phẩm cà phê ra thị trường quốc tế.
Dịp này, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp trao tặng 15 suất học bổng (3 triệu đồng/suất), Ban tổ chức hội thảo trao tặng 10 chiếc xe đạp cho trẻ em (trong vùng dự án) có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!