NASA cho tàu vũ trụ đâm vào tiểu hành tinh để “cứu Trái Đất”

Mai Linh (theo Live Science)-Thứ ba, ngày 12/10/2021 16:20 GMT+7

(Ảnh: NASA)

VTV.vn - Một nhiệm vụ mới đầy tính “bùng nổ” của NASA sẽ chính thức đi vào hoạt động vào ngày 23 tháng 11 tới đây.

Mới đây, NASA đã công bố ngày phóng cho sứ mệnh đặc biệt của một chiếc tàu vũ trụ nhằm đâm vào tiểu hành tinh Didymos ở tốc độ cao. Sứ mệnh này có tên gọi “Chuyển hướng Tiểu hành tinh Đôi (DART)”, dự kiến sẽ được khởi động lúc 10h20 tối ngày 23/11. Sứ mệnh sẽ giúp các cơ quan vũ trụ trên thế giới tìm cách chuyển hướng các tiểu hành tinh mang mầm mống hiểm họa cho Trái Đất, theo một tuyên bố của NASA.

NASA cho tàu vũ trụ đâm vào tiểu hành tinh để “cứu Trái Đất” - Ảnh 1.

(Ảnh: NASA)

DART có nhiệm vụ chính là thử nghiệm một kế hoạch phòng thủ tiểu hành tinh, được gọi là kỹ thuật tác động cơ học. Về cơ bản, kỹ thuật này bao gồm việc bắn một hoặc nhiều tàu vũ trụ lớn vào đường đi của tiểu hành tinh đang bay để thay đổi chuyển động của chúng. Mục tiêu của chương trình này là tiểu hành tinh đôi (hai tảng đá không gian di chuyển song song) với tên gọi Didymos, bao gồm hai tiểu hành tinh có đường kính 780 mét và 160 mét.

Với sứ mệnh này, NASA hy vọng một tác tác động trực tiếp sẽ làm chậm quỹ đạo của các tiểu hành tinh, vừa đủ để có thể nghiên cứu chi tiết chúng bằng hệ thống kính viễn vọng trên Trái Đất. Lindley Johnson – Sĩ quan phòng thủ Hành tinh tại NASA chia sẻ: “Sứ mệnh sẽ xác nhận cho chúng ra về tính khả thi của việc sử dụng tác động cơ học làm chuyển hướng quỹ đạo của các tiểu hành tinh, ít nhất là những tiểu hành tinh mang kích thước nhỏ và mang khả năng va chạm nhiều nhất”.

Tàu vũ trụ DART dự kiến sẽ được phóng từ Căn cứ Không quân Vandenberg ở California với sự hỗ trợ của tên lửa SpaceX Falcon 9 xuyên qua bầu khí quyển. Theo NASA, sau khi tách khỏi phương tiện phóng, DART sẽ có chuyến hành trình xuyên không gian trong vòng 1 năm, di chuyển tổng cộng gần 11 triệu km trước khi lao vào Didymos vào cuối tháng 9 năm 2022. Theo kế hoạch, DART sẽ xảy ra va chạm ở tốc độ 24.000 km/h và sẽ bị hủy hoại sau va chạm. Sự việc này có khả năng làm chậm quỹ đạo của tiểu hành tinh một chút, cho phép các nhà thiên văn học nghiên cứu tác động của sứ mệnh. Một tàu vũ trụ đồng hành do cơ quan Vũ trụ Ý vận hành sẽ cố gắng bay gần đó để theo dõi cận cảnh quá trình va chạm.

Được biết, NASA luôn giám sát chặt chẽ tất cả những vật thể gần Trái Đất trong phạm vi 1,3 đơn vị thiên văn (1,3 lần khoảng cách giữa Mặt Trời và Trái Đất). Cho đến nay, cơ quan này đã phát hiện hơn 8.000 tiểu hành tinh ở gần chúng ta có đường kính lớn hơn 140m hoặc đủ lớn để “quét sạch” một bang của Mỹ nếu chúng thật sự đổ bộ. Theo NASA, trong một thế kỷ tới sẽ không có mối đe dọa trực tiếp nào cho Trái Đất từ vũ trụ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước