Trước đó, vào sáng sớm ngày 25/9, Ngân hàng Mô (Bệnh viện Mắt Hà Nội 2) nhận được điện thoại từ Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Lê Trung với mong muốn thực hiện di nguyện của mẹ sau khi mất là hiến tặng đôi giác mạc của bà cho người bệnh mù lòa.
Thượng tá Nguyễn Lê Trung - Bác sĩ, Phó Chủ nhiệm bộ môn/Khoa mắt Bệnh viện Quân y 103 bật khóc trước thời khắc tiễn mẹ đi xa, cùng nghĩa cử hiến tặng giác mạc đã được thực hiện theo tâm nguyện của bà.
Ngay lập tức, các kỹ thuật viên của Ngân hàng Mô có mặt và tiến hành lấy giác mạc của người hiến tặng một cách nhanh chóng. Sau đó điều phối một giác mạc cho Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, một giác mạc còn lại được đưa đến Bệnh viện Quân y 103. Đây cũng chính là ca hiến tặng giác mạc khiến nhiều người xúc động với hình ảnh nam bác sĩ quân y ôm mẹ lần cuối sau khi thực hiện di nguyện của bà.
Bệnh nhân tìm lại được ánh sáng sau hơn 10 năm nhờ giác mạc hiến tặng.
Tại Bệnh viện mắt Hà Nội 2, bệnh nhân được ghép giác mạc là người phụ nữ 65 tuổi bị loạn dưỡng giác mạc - một căn bệnh có tính chất di truyền. Bệnh làm mất đi tính trong suốt của giác mạc do bị lắng đọng chất màu trắng đục, gây giảm thị lực nghiêm trọng. Hơn 10 năm qua, bà không thể nhìn thấy người và vật xung quanh. Chính vì vậy, khi nhìn thấy ánh sáng, bà đã vô cùng vui mừng và cảm thấy biết ơn.
“Khi vừa tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, tôi thấy rất vui. Vài tiếng sau đó, bác sĩ bảo tôi mở mắt và nhìn thấy mọi người trước mặt, tôi vỡ òa sung sướng vì hơn 10 năm tôi chỉ thấy lờ mờ, không thấy hình người. Sau ghép và điều trị có 4 ngày, độ nét tăng lên rõ rệt. Tôi chỉ mong sớm được về quê nhìn lại người thân của mình. Tôi muốn bày tỏ sự biết ơn đến người hiến giác mạc, thân nhân người hiến giác mạc, đến các y bác sĩ đã ghép giác mạc cho tôi”, bệnh nhân được ghép giác mạc chia sẻ.
Bệnh nhân được ghép giác mạc vỡ oà hạnh phúc trong ngày sinh nhật đã nhìn thấy ánh sáng.
Phó Giáo sư Hoàng Minh Châu - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết: “Ca ghép giác mạc diễn ra trong khoảng 45 phút, hiện tại tình trạng người nhận ổn định, kết quả ban đầu khá khả quan, có thể nhìn và tự đi lại được. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả ban đầu, thời gian tới cần phải theo dõi, tái khám thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ. Đây cũng là ca ghép giác mạc đầu tiên từ người hiến tặng từ nguồn trong nước tại bệnh viện. Trước đó, hơn 40 ca ghép giác mạc tại bệnh viện này là nguồn giác mạc hiến từ nước ngoài”.
Đây cũng là ca ghép giác mạc đầu tiên từ người hiến tặng từ nguồn trong nước tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2.
Theo thống kê của ngành y tế, Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù lòa và 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. Qua điều tra, nguyên nhân gây mù chính hiện nay là đục thủy tinh thể (chiếm tới 66%), tiếp đó là các bệnh lý đáy mắt, bệnh glôcôm, tật khúc xạ... Đáng lưu ý khi tại Việt Nam có hơn 30.000 người mù vì bệnh lý giác mạc, họ cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng...
Gánh nặng mù lòa ngày càng gia tăng đã trở thành vấn đề xã hội và sẽ gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, mù lòa ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, dẫn tới nghèo đói, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế... Đó là thách thức lớn không chỉ riêng đối với ngành mắt, y tế mà là trách nhiệm của toàn xã hội.
Hiến tặng giác mạc sau khi qua đời là hoạt động nhân đạo. Tuy nhiên nhiều nơi, nhiều người dân chưa hiểu rõ về hoạt động hiến tặng giác mạc, bên cạnh đó còn gặp nhiều trở ngại lớn từ quan niệm người dân, rào cản do tập tục, tín ngưỡng...
Trong 16 năm qua (2007-2023), cả nước có trên 45.000 đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã có 963 người tặng giác mạc sau khi qua đời của 20 tỉnh thành trong cả nước.
Chính vì vậy, việc lan tỏa nghĩa cử hiến giác mạc là vô cùng quan trọng, không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của những bệnh nhân bị mù lòa, mà còn mang lại cho họ cơ hội nhìn thấy ánh sáng một lần nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!