Một bệnh viện tại Vũ Hán, Trung Quốc, đang chăm sóc bệnh nhân nhiễm siêu vi Corona ngày 28/01/2020. Ảnh: China Daily via REUTERS.
Giáo sư khoa học xạ hình y tế thuộc Đại học Cao đẳng London, Derek Hill nhận định: "Nam giới có nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn so với nữ giới và những bệnh nhân béo phì hoặc có những bệnh lý sức khỏe trước đây có nguy cơ cao hơn".
Theo số liệu thống kê ban đầu của Trung tâm Nghiên cứu và kiểm toán quốc gia về chăm sóc tích cực của Anh, trong số những bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị tích cực có 73% bệnh nhân là nam giới và 73,4% bệnh nhân bị béo phì. Còn số liệu ban đầu về kết quả điều trị các bệnh nhân này hoặc hồi phục hoặc tử vong do COVID-19 trong giai đoạn từ ngày 3/4 trở về trước, các bệnh nhân béo phì ít có khả năng phục hồi hơn sau khi được chăm sóc tích cực. Khoảng 42,4% bệnh nhân có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30 có thể được xuất viện sau khi điều trị thành công so với 56,4% bệnh nhân có chỉ số BMI chưa tới 25.
Còn tại Pháp, bác sỹ khoa chăm sóc tích cực tại bệnh viên Pitie-Salpetriere, thủ đô Paris, Matthieu Schmidt cho biết các phòng cấp cứu của bệnh viện tại Pháp tiếp nhận một lượng lớn các bệnh nhân mắc COVID-19 bị béo phì và 3/4 trong số này là nam giới.
Tình hình tương tự cũng xảy ra tại thành phố New York, Mỹ. Bác sỹ Hani Sbitany làm việc tại cơ sở y tế Mount Sinai của thành phố cho biết ước tính có tới 80% bệnh nhân mắc COVID-19 được tiếp nhận tại đây là nam giới, có nghĩa là cứ trong 5 bệnh nhân có 4 người là nam.
Tại sao nam giới mắc COVID-19 nhiều hơn so với nữ trong chỉ có vài tháng sau khi dịch bệnh này bùng phát hồi cuối năm ngoái? Các chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để có thể xác định được nguyên nhân.
Chuyên gia Jean-Francois Delfraissy đứng đầu một hội đồng khoa học nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 cho biết hiện chưa có lời giải thích rõ ràng về hiện tượng này, song ông đưa ra giả thuyết là nam giới có tần số nhiều bệnh lý cao hơn so với nữ giới.
Trong khi đó, Chủ nhiệm khoa Khoa Bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Toulouse, Pháp, Pierre Delobel cho biết khả năng miễn dịch bẩm sinh của nữ giới tốt hơn, nhất là trước thời kỳ mãn kinh. Còn bác sỹ James Gill, Trường Y khoa Warwick, nêu ý tưởng rằng phụ nữ có hệ miễn dịch khỏe hơn, có nghĩa là có sức đề kháng tốt hơn trước sự lây nhiễm. Ngoài ra, ông đưa ra một giả thuyết là nam giới không quan tâm với sức khỏe của mình khi hút thuốc, uống rượu... đồng thời cho rằng câu trả lời cho câu hỏi này có thể liên quan tới cả yếu tố sinh học và môi trường.
Nhìn chung béo phì gây nhiều rủi ro cho sức khỏe như bệnh đái tháo đường và cao huyết áp. Đây là hai bệnh lý nền được xác định khiến bệnh tình của các bệnh nhân mắc COVID-19 trầm trọng hơn. Đây là kết luận trong các nghiên cứu tại Italy và Trung Quốc. Ngoài ra, vấn đề tuổi tác và một số bệnh khác như bệnh tim mạch, các bệnh về não cũng có liên quan.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), điều này làm gia tăng lo ngại tại Mỹ, nơi khoảng 42% người trưởng thành mắc béo phì. CDC đã khuyến cáo những người có chỉ số BMI trên 40 có nguy cơ mắc COVID-19 đặc biệt cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!