Để làm rượu hoẵng, quan trọng nhất là phải có gạo nếp nương thơm ngon. Gạo nếp trước khi xôi phải được ngâm qua đêm, vò đãi sạch, để ráo nước cho vào chõ đồ chín. Xôi sau khi chín được đổ ra chiếc nia có rải lớp lá chuối phía dưới, đợi xôi nguội thì tiến hành lên men.
Tuy nhiên, theo những người có kinh nghiệm trong việc làm rượu hoẵng thì độ nóng nguội của xôi để lên men cũng là yếu tố quyết định đến chất lượng của rượu. Xôi nếu lên men khi còn quá nóng dễ làm rượu bị chua, hoặc để nguội quá cũng không thể thành rượu được.
Rượu hoẵng được sử dụng trong những dịp lễ tết, cưới xin hay vào nhà mới.
Bà Triệu Thị Tiếp (xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) chia sẻ: "Xôi sau khi đồ chín thì không được để nguội quá, tốt nhất phải còn hơi ấm một chút, nhất là với mùa đông rét thì việc lên men rất khó. Vì thế cần phải có kinh nghiệm thì rượu làm ra mới có chất lượng thơm ngon, ngọt. Trước khi lên men thì hòa một ít nước ấm để tưới, bóp để xôi không thành cục rồi mới rắc men".
|
Men làm rượu hoẵng được làm từ nhiều vị thuốc quý, có mùi thơm dịu, tính ấm. Men được giã thành bột mịn rồi rắc lên nia xôi đã chuẩn bị sẵn. Sau khi rắc men, đảo đều nia đựng xôi, lấy lá chuối phủ kín phía trên và phủ một lớp chăn ấm để nhanh lên men.
Sau khi ủ 3 - 4 ngày thấy có mùi thơm, vị ngọt mới cho vào ủ chum, lấy lá chuối che kín phần miệng chum để rượu không bị bay hơi. Rượu phải được ủ chum đến khi ngấu, phần bỗng nổi lên trên thì mới tiến hành vắt lấy nước cốt, bỏ phần bã.
Rượu sau khi vắt, lọc sạch được sử dụng ngay, hoặc bảo quan trong tủ lạnh thì thời gian sử dụng càng được lâu.
"Rượu này phải ủ chum 2 tháng rồi mới vắt. Khi vắt thì cho vào túi vải sạch rồi tiến hành vắt lấy rượu, bỏ đi phần bã. Chúng ta ủ lâu thì rượu mới ngấu, mới thơm ngon được. Nếu vắt sớm rượu non thì uống sẽ có vị cay không ngon, không có mùi thơm mà cũng không được nhiều rượu" - bà Triệu Thị Tiếp nói.
Thời gian ủ rượu hoẵng trong chum là 2 tháng |
Ngày nay rượu hoẵng không chỉ được đồng bào Dao đỏ Yên Bái sử dụng trong những dịp lễ tết, cưới xin hay vào nhà mới, mà nhiều gia đình còn làm để biếu tặng người thân, bạn bè. Có nhà cũng đã bắt đầu làm rượu hoẵng để cung cấp cho các nhà hàng, bán theo đơn đặt hàng của du khách yêu thích loại rượu này.
|
Rượu hoẵng của người Dao đỏ ngày càng được nhiều người biết đến bởi vị ngọt thơm ngọt khó quên, không cay, hăng như loại rượu trắng thông thường, rất phù hợp với chị em phụ nữ.
"Từ bé tôi đã được thưởng thức rượu hoẵng của người Dao. Sau một thời gian rất dài tôi được sử dụng lại tôi thấy loại rượu này có ưu điểm rất tốt. Ngon ngọt an toàn. Phụ nữ uống rượu này rất tốt cho da, cho tiêu hóa. Một số bạn của tôi ở xuôi và ở tỉnh Sơn La khi được uống rượu hoẵng đều rất thích", chị Hoàng Thị Sinh, ở tổ 8 phường Tô Hiệu, TP Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết.
Rượu hoẵng của đồng bào Dao đỏ Yên Bái được duy trì từ bao đời nay, là loại rượu độc đáo không thể thiếu được trong những dịp lễ Tết, hiếu hỷ, những cuộc vui của đồng bào.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!