Một nghiên cứu mới ở Georgia (Mỹ) đã phát hiện ra rằng những người có thói quen ngủ không nhất quán có tuổi sinh học cao hơn so với những người có lịch trình ngủ đều đặn. Mặc dù các bài kiểm tra độ tuổi sinh học có thể gây tranh cãi nhưng một chuyên gia cho rằng chúng là dấu hiệu rõ ràng về mức độ "tổn hại" đang diễn ra bên trong cơ thể.
Theo nghiên cứu này, các nhà khoa học đã xem xét thói quen ngủ của hơn 6000 người có độ tuổi trung bình là 50 trong năm 2011 đến 2014. Họ được đeo thiết bị theo dõi giấc ngủ trong vòng 4 đến 7 ngày, ghi lại lượng thời gian ngủ cùng các dấu hiệu khác.
Kết quả là những người có sự khác biệt về giờ đi ngủ cũng như thời lượng giấc ngủ có tuổi sinh học cao nhất. Trong khi đó, những người có lịch trình ngủ cố định và ngủ ngon giấc có độ tuổi sinh hoạt ít hơn 9 tháng so với những người có lịch ngủ thất thường.
"Chúng tôi nhận thấy rằng sự thay đổi về giấc ngủ, ngủ không đều đặn, lệch múi giờ... có liên quan đến tình trạng lão hóa sinh học", tác giả của nghiên cứu tuyên bố.
Đây là nghiên cứu đầu tiên đo lường loại giấc ngủ và mối quan hệ của nó với việc lão hóa sinh học. Trước đó, Cleveland Clinic cũng cảnh báo rằng việc thiếu ngủ thường xuyên có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch và khả năng nhận thức cũng như sức khỏe tâm thần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!