Người dân không "chờ " BRT, số lượng phương tiện giao thông tăng cao

Minh Đức-Thứ ba, ngày 19/07/2016 06:00 GMT+7

VTV.vn - 10 năm qua, người dân Thủ đô đã quyết định mua phương tiện cá nhân thay vì "chờ" xe bus nhanh BRT, trong khi đó dự án BRT vẫn đang vướng mắc trong việc dành đường ưu tiên.

Tuyến xe bus nhanh BRT đã được triển khai gần 10 năm nay, đây là tuyến xe bus có tổng chi phí dự án lên đến 55 triệu USD bằng vốn vay của ngân hàng Thế giới, được kỳ vọng sẽ đáp ứng được một lượng lớn nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô, phần nào giảm tải số lượng phương tiện giao thông đông đúc trên các tuyến đường Hà Nội. Tuyến xe bus BRT bắt đầu từ bến xe Kim Mã (quận Ba Đình) qua phố Giảng Võ – Láng Hạ - Lê Văn Lương kéo dài – trục phía bắc quận Hà Đông – Lê Trọng Tấn – Trần Phú – Ba La – bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông) với quãng đường dài 14,7 km và 21 nhà chờ nằm trên giải phân cách giữa đường. Xe có sức chứa 90 hành khách và dự kiến tần suất xe chạy 5 - 10 phút/chuyến.

Theo các nhà quản lý dự án, với tuyến xe bus nhanh mới, hành khách đi từ Kim Mã đến Yên Nghĩa sẽ chỉ mất khoảng 30 phút, thay vì mất gần 1 tiếng nếu đi phương tiện cá nhân bình thường. Theo dự kiến, các hạng mục phụ sẽ được đẩy nhanh tiến độ thi công và tuyến xe bus sẽ được chạy thử vào quý III, dự kiến vận hành chính thức vào cuối năm nay. Tuy nhiên, thời gian đã gần sát nhưng đến nay việc chạy xe vẫn chưa có phương án triển khai chính thức. Vào thời điểm đầu tháng 4/2016, nhiều nhà chờ xe bus BRT có dấu hiệu xuống cấp, bị hư hỏng nặng nên đã phải tiến hành tu sửa.

Ông Hà Huy Quang - PGĐ Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: "Điều khó nhất hiện nay là bắt buộc phải có đường ưu tiên cho xe bus BRT. Nhưng mật độ giao thông tại Hà Nội rất cao, hạ tầng giao thông thiếu nên rất khó giành riêng một làn đường cho xe bus với tần xuất 2 - 3 phút/chuyến. Do đó chúng tôi đang tính toán lại phương án chỉ làm đường dành riêng cho một số đoạn như nút giao đường vành đai I, II…, còn phần đường còn lại phải dùng chung. Quý III này, sẽ cho chạy thí điểm thực tế, cố gắng quý IV-2016 sẽ đưa vào sử dụng”.


Nhiều nhà chờ xe bus BRT vì đắp chiếu quá lâu mà có dấu hiệu xuống cấp

Nhiều nhà chờ xe bus BRT vì "đắp chiếu" quá lâu mà có dấu hiệu xuống cấp

Thực tế cho thấy, số lượng phương tiện di chuyển trên trục đường Kim Mã – Giảng Võ – Láng Hạ liên tục tăng cao trong những năm gần đây. Hàng ngàn người đã quyết định không “chờ” tuyến xe bus nhanh nữa mà đã tìm mua phương tiện cá nhân để phục vụ nhu cầu đi lại. Gần như các tuyến đường đều đã mãn tải, thường xuyên xảy ra tình trạng tắc đường. Nếu dự án BRT có thể được đưa vào vận hành sớm thì có lẽ một phần lớn người dân Thủ đô không ồ ạt mua thêm phương tiện mới để lưu thông.

Theo tiêu chuẩn đường dành riêng cho tuyến xe bus BRT thì các đoạn đường dành riêng không ngắn hơn 3km. Xét về tình hình thực tế hiện nay đối với các đường có tuyến xe bus chạy qua thì việc dành riêng một hành lang cho xe BRT là một vấn đề gây tranh cãi. Nếu dành riêng đường cho xe bus nhanh thì sẽ có sự ảnh hưởng không nhỏ đối với lượng xe lưu thông trên phần đường còn lại. Ông Vũ Hà – Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội đã có đề ra phương án cho việc giảm ách tắc giao thông đối với tuyến đường Lê Văn Lương, ông cho biết trên tuyến đường Lê Văn Lương có lưu lượng phương tiện rất đông, vậy nên nếu muốn ưu tiên phương tiện vận tải công cộng lưu lượng lớn như BRT thì phải điều tiết giảm phương tiện trên tuyến đường này, hướng các phương tiện giao thông sang các tuyến đường “đối ứng” như đường Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng… Tuy nhiên, việc ưu tiên như thế nào cho phù hợp thì vẫn đang được nghiên cứu.

Ngoài vấn đề lưu lượng phương tiện giao thông trên các tuyến đường quá đông, khó cho việc dành đường riêng cho xe bus nhanh BRT thì số lượng giao cắt trên các tuyến quá nhiều cũng là vấn đề nan giải không nhỏ. Tại các điểm giao cắt nếu ưu tiên cho xe bus BRT sẽ khiến các phương tiện khác bị ùn tắc, có nhiều khả năng cũng sẽ gây ảnh hưởng đến những chuyến xe BRT đi ngay sau. Nếu như vậy sẽ không thể khai thác xe BRT theo đúng tần suất và hiệu quả dự kiến ban đầu.

Trong quá trình 10 năm thực hiện, dự án xe bus nhanh BRT đã có nhiều lần phải xin gia hạn. Từ cuối tháng 5/2016, Ban quản lý dự án đã gần như chắc chắn rằng tuyến xe bus BRT sẽ đi vào hoạt động trong cuối năm 2016, nhưng liệu việc chạy tuyến xe bus nhanh BRT có còn kịp thời nữa không khi nhiều người dân đã quyết định mua phương tiện cá nhân vì không thể “chờ” lâu hơn.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước