Người ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày dễ đau tim và đột quỵ

Vân Ngô (dịch)-Thứ tư, ngày 23/01/2019 12:19 GMT+7

VTV.vn - Đau tim, đột quỵ sẽ dễ dàng đến với bản thân mỗi người hơn nếu chúng ta ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày

Một nghiên cứu mới cảnh báo, ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm có thể làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.

Các nhà nghiên cứu cho biết việc ngủ ít hơn 6 tiếng đồng hồ mỗi đêm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch lên tới 35% so với những người ngủ từ 7 - 8 tiếng.

Thiếu ngủ làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch gây ra bởi sự tích tụ các mảng bám khiến chúng bị hẹp và cứng lại.

Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu tim mạch quốc gia Tây Ban Nha (CNIC) ở Madrid cho biết những phát hiện cho thấy việc thay đổi mô hình giấc ngủ có thể là phương pháp chữa trị nhanh hơn và rẻ hơn so với điều trị bệnh tim bằng một số loại thuốc thông thường.

Theo bản công bố trên Tạp chí của Đại học Tim mạch Hoa Kỳ, nhóm nghiên cứu đã xem xét gần 4.000 nhân viên ngân hàng ở Tây Ban Nha.

Những người trong danh sách nghiên cứu có độ tuổi trung bình là 46 tuổi, không có tiền sử bệnh tim và bắt đầu được xem xét cách thức phát triển của bệnh tim mạch.

Các nhà nghiên cứu chia những người tham gia thành 4 nhóm: nhóm ngủ ít hơn 6 giờ, nhóm ngủ từ 6 - 7 giờ, nhóm ngủ 7 - 8 giờ và nhóm ngủ nhiều hơn 8 giờ.

Để đo giấc ngủ, người tham gia được đeo một thiết bị truyền chuyển động giống như đồng hồ và liên tục được kiểm tra hiệu suất chuyển động của tim cùng với mức độ tiếp xúc với ánh sáng trong 7 ngày.

Những người trưởng thành cũng được siêu âm tim 3 chiều và chụp CT để tìm kiếm bằng chứng về bệnh tim mạch.

Cuối cùng, nghiên cứu cho thấy, những người tham gia có giấc ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm có nguy cơ bị xơ vữa động mạch cao hơn 27% so với những người ngủ 7 - 8 giờ.

Bên cạnh đó, những người tham gia có chất lượng giấc ngủ kém cũng có nhiều khả năng mắc bệnh cao hơn 34% so với những người tham gia có một giấc ngủ ngon.

Nhóm nghiên cứu cũng xem xét các yếu tố khác ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và nhận thấy mức tiêu thụ rượu và caffeine cao trong số những người có chất lượng giấc ngủ kém.

"Nhiều người nghĩ rằng rượu là một chất kích thích giấc ngủ, nhưng chúng cũng có những tác động tiêu cực", tác giả nghiên cứu cấp cao Tiến sĩ Jose Ordovás tại Đại học Tufts cho biết.

"Nếu bạn uống rượu, bạn có thể thức dậy ngay sau một khoảng thời gian ngắn và sẽ rất khó để ngủ trở lại. Đáng buồn hơn, nếu bạn quay trở lại giấc ngủ, thì đó thường là một giấc ngủ kém chất lượng".

Một số nghiên cứu đã nói rằng uống cà phê có thể tốt cho tim, nhưng Tiến sĩ Ordovás cho biết những tác động tích cực đó chỉ xuất hiện nếu người dùng có một cơ thể chuyển hóa chất cà phê nhanh chóng.

"Tùy thuộc vào cơ thể bạn, nếu bạn chuyển hóa cà phê nhanh hơn, nó sẽ không ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nhưng nếu cơ thể bạn chuyển hóa một cách từ từ, caffeine có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tim mạch", ông nói.

Để đối phó với tình trạng này, bác sĩ Ordovás nói rằng việc cải thiện giấc ngủ sẽ là một phương pháp nhanh chóng và dễ dàng thực hiện.

Tuy nhiên, trong một bài xã luận, Tiến sĩ Daniel Gottlieb, Phó Giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard và Bác sĩ Deepak L Bhatt, Giáo sư y học tim mạch tại Trường Y Harvard, cho biết cần phải có nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận xem việc thay đổi chất lượng và số lượng giấc ngủ có thể cải thiện sức khỏe của tim hay không.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước