Trà sữa được du nhập vào Việt Nam từ khoảng 10 năm trước và được các bạn trẻ, đặc biệt là học sinh và sinh viên yêu thích. Bên cạnh sự phổ biến của các loại trà sữa, cũng có không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về sự an toàn của món đồ uống này.
Thành phần của trà sữa trân châu gồm 3 nguyên liệu chính là nước trà, sữa và hạt trân châu. Để pha trà sữa cần sử dụng trà túi lọc song điều mà các chuyên gia lo ngại, đó là việc sử dụng trà không đảm bảo chất lượng, bị ẩm, mốc có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Vân Hồng, Bộ môn Tiêu hóa, Đại học Y Hà Nội, trên thực tế, không phải cơ sở nào cũng sử dụng trà túi lọc để pha trà sữa mà thường dùng một ấm chè pha sẵn trước đó. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trà nóng vừa được pha có nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe. Trà bị ngâm quá lâu sẽ tiết ra polyphenyles – một chất tạo ra quá trình oxy hóa tự nhiên khiến trà chuyển màu sẫm. Điều này không chỉ làm mất hương vị, mất dưỡng chất trong trà mà còn thu hút vi khuẩn.
Bên cạnh đó, thành phần sữa được sử dụng trong trà sữa cũng gây lo ngại. Khi sử dụng trà và sữa, sữa sẽ bị vón cục, biến chất và thay đổi hoàn toàn mùi vị. Thông thường, trong trà sữa trân châu, người ta sử dụng kem sữa thay vì sữa tươi. Kem sữa chứa hàm lượng mỡ cao, do vậy, sử dụng nhiều hoàn toàn không tốt cho sức khỏe.
Hiện, vẫn còn nhiều tranh cãi về việc trà và sữa có nên uống cùng nhau hay không. Một báo cáo khoa học của Đại học Tổng hợp Berlin đã chứng minh sữa sẽ làm trà mất đi nhiều công dụng. Ngoài ra, nguyên liệu bột kem rẻ tiền trên thị trường được nhiều cơ sở sử dụng hoàn toàn không được tách ra từ sữa mà có thành phần dầu thực vật hydro hóa. Đây là một dạng axit béo chuyển hóa transfat. Loại axit này sẽ làm giảm lượng hormones nam giới, khống chế sức sống của tinh trùng và gây ảnh hưởng tới người mắc các bệnh mãn tính như mỡ máu, tiểu đường, tim mạch.
Không dừng lại ở đó, thành phần thứ 3 của trà sữa – trân châu – cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Trân châu thường được làm từ bột sắn và có độ dai nhất định. Tuy nhiên, nhiều loại trân châu lại dai… bất thường, khiến người ta phải đặt câu hỏi về nguồn gốc thực sự của chúng. Nếu làm thủ công từ bột sẵn, trân châu chỉ sử dụng được trong ngày. Ở quy mô công nghiệp, trân châu được thêm vào một số chất phụ gia bảo quản giúp sản phẩm để được hàng năm. Cũng theo PGS. TS Nguyễn Thị Vân Hồng, một số trường hợp nhập viện với tình trạng trân châu ở trong dạ dày suốt một thời gian dài, không thể tiêu hóa được.
Hiện nay, những lỗ hổng trong khâu quản lý khiến các loại thực phẩm bẩn vẫn có cơ hội trà trộn vào thị trường. Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh, hãy tự mình lựa chọn những sản phẩm có thành phần và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!