Câu chuyện mạo danh khoai tây Đà Lạt tiếp tục nóng lên khi hiện nay tại thành phố này, số lượng lớn khoai tây Trung Quốc vẫn được nhập về mỗi ngày. Đáng chú ý, những bao khoai tây từ Trung Quốc về dù rất sạch sẽ nhưng chúng vẫn được đưa vào các máy rửa lại và làm cho trầy xước.
Thông thường, 1kg khoai tây Trung Quốc được trộn đất để giả mạo thành khoai tây Đà Lạt sẽ được bán ra thị trường với giá cao gấp 3 lần, do đó việc giả mạo này là điều dễ hiểu. Điều đáng nói, vì ham lời mà nhiều tư thương đã tiếp tay gian dối, không chỉ làm giảm giá trị nông sản Lâm Đồng mà còn đẩy nông dân vào con đường điêu đứng và mất lòng tin với người tiêu dùng.
Một trong những điều mà cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng lưu ý người tiêu dùng là từ tháng 7 - 12 hàng năm, khoai tây Đà Lạt đã kết thúc vụ nên thường rất khan hiếm vào thời điểm này, nếu có thì phần nhiều do tư thương trữ lại nhưng đã nảy mầm. Giữa hai loại khoai tây da vàng, da hồng Đà Lạt và Trung Quốc có nhiều điểm khác biệt có thể phân biệt bằng mắt thường:
- Khoai tây da hồng: Củ khoai Trung Quốc to, dài, kích thước đồng đều, vỏ dày, trên vỏ có các chấm li ti, mắt củ to, ruột khoai có màu vàng đậm. Trong khi đó, khoai tây Đà Lạt củ vừa phải, hình bầu dục hoặc tròn, ít đồng đều, vỏ mỏng nên dễ bị trầy xước, mắt củ ít và nhỏ, ruột có màu vàng nhạt.
- Khoai tây da vàng: Ruột khoai Trung Quốc có màu trắng hơi ngả vàng, còn ruột khoai Đà Lạt có màu vàng ươm. Bên cạnh đó, người người tiêu dùng cũng có thể thử bằng cách dùng dao cắt ngang củ khoai tây ra rồi dùng ngón tay lướt ngang trên bề mặt, nếu thấy nhiều nước ướt trên ngón tay là khoai Trung Quốc, còn khô là khoai Đà Lạt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!