Một số nghiên cứu gợi ý rằng nhịn ăn giúp chống ung thư nhờ giảm kháng insulin và mức độ viêm. Nhịn ăn cũng có thể đẩy lùi ảnh hưởng của các tình trạng bệnh mãn tính như béo phì và đái tháo đường týp 2, cả hai đều là những yếu tố nguy cơ gây ung thư.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tin rằng nhịn ăn có thể làm cho các tế bào ung thư đáp ứng hơn với hóa trị đồng thời bảo vệ các tế bào khác. Nhịn ăn cũng tăng cường hệ miễn dịch giúp chống lại ung thư đã có.
Dưới đây là những tác dụng của việc nhịn ăn trong điều trị và phòng ngừa ung thư.
Cải thiện độ nhạy cảm insulin
Nhịn ăn có thể giúp cải thiện hiệu quả của hóa trị.
Insulin là một hoóc môn cho phép các tế bào láy glucose từ máu để sử dụng làm năng lượng.
Khi có sẵn nhiều thực phẩm, các tế bào trong cơ thể trở nên ít nhạy cảm hơn với insulin. Tình trạng kháng insulin này có nghĩa là các tế bào không còn đáp ứng với tín hiệu insulin, dẫn đến mức glucose trong máu cao hơn và tích mỡ nhiều hơn.
Khi nguồn cung cấp thực phẩm khan hiếm, cơ thể sẽ cố gắng tiết kiệm càng nhiều năng lượng càng tốt.
Một cách để nó hoàn thành nhiệm vụ này là làm cho màng tế bào nhạy cảm hơn với insulin. Các tế bào có thể chuyển hóa insulin hiệu quả hơn, đưa glucose ra khỏi máu.
Độ nhạy insulin tốt hơn khiến các tế bào ung thư khó tăng trưởng hoặc phát triển hơn.
Đẩy lùi tác động của các tình trạng bệnh mãn tính
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các tình trạng bệnh như béo phì và đái tháo đường týp 2 là yếu tố nguy cơ gây ung thư. Cả hai đều có liên quan đến nguy cơ mắc nhiều loại ung thư và tỷ lệ sống thấp hơn.
Một nghiên cứu trường hợp năm 2017 đã xem xét tác động của việc nhịn ăn ngắn hạn đối với đái tháo đường týp 2. Những người tham gia nghiên cứu nhịn ăn trong 24 giờ hai đến ba lần mỗi tuần.
Sau 4 tháng nhịn ăn, những người tham gia đã giảm được 17,8% cân nặng và giảm 11% kích thước vòng eo.
Ngoài ra, họ không còn cần điều trị insulin sau 2 tháng nhịn ăn kiểu này.
Thúc đẩy tự thực
Tự thực (autophagy) là một quá trình tế bào trong đó các phần của các tế bào bị giáng hóa để tái sử dụng sau này. Autophagy rất quan trọng để duy trì chức năng tế bào bình thường, và nó cũng giúp bảo vệ các tế bào trong cơ thể. Autophagy đóng một vai trò quan trọng trong phòng ngừa và điều trị ung thư.
Một số nghiên cứu trên chuột gợi ý autophagy có thể ngăn ngừa ung thư. Những nghiên cứu này cho thấy thiếu hụt autophagy dẫn đến mức độ thấp hơn của các gen ức chế khối u.
Mặc dù autophagy thấp hơn có thể cho phép hình thành khối u ban đầu, nó không hoàn toàn chịu trách nhiệm cho sự phát triển hoặc lan rộng của khối u ác tính.
Cải thiện chất lượng sống trong quá trình hóa trị
Một số nhà nghiên cứu tin rằng nhịn ăn giúp cải thiện đáp ứng của bệnh nhân với hóa trị nhờ:
• thúc đẩy tái tạo tế bào
• bảo vệ máu chống lại tác hại của hóa trị
• giảm tác động của các tác dụng phụ, chẳng hạn như mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu và chuột rút
Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy nhịn ăn có thể cải thiện chất lượng sống ở những bệnh nhân hóa trị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng. Nghiên cứu sử dụng thời gian nhịn ăn 60 giờ, bắt đầu 36 giờ trước khi bắt đầu hóa trị.
Kết quả cho thấy những người nhịn ăn trong thời gian hóa trị đã báo cáo khả năng dung nạp cao hơn với hóa trị, ít tác dụng phụ liên quan đến hóa trị hơn và mức sinh lực cao hơn so với những người không nhịn ăn.
Tăng cường hệ miễn dịch để chống ung thư
Một nghiên cứu năm 2014 đã kiểm tra xem liệu nhịn ăn có mang lại bất kỳ tác dụng chống ung thư nào trong tế bào gốc của chuột hay không. Tế bào gốc rất quan trọng do khả năng tái tạo của chúng.
Các nhà nghiên cứu đã cho thấy rằng nhịn ăn trong 2 - 4 ngày có thể bảo vệ các tế bào gốc chống lại tác động tiêu cực của hóa trị đối với hệ miễn dịch.
Nhịn ăn cũng hoạt hóa các tế bào gốc của hệ miễn dịch để tự làm mới và sửa chữa.
Nghiên cứu chứng tỏ rằng nhịn ăn không chỉ làm giảm tổn thương cho các tế bào, nó còn bổ sung các tế bào bạch cầu và thay thế các tế bào bị hư hỏng.
Các tế bào bạch cầu chống lại nhiễm trùng và phá hủy các tế bào có thể gây bệnh. Giảm bạch cầu do hóa trị sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ miễn dịch, nghĩa là cơ thể sẽ khó chống lại nhiễm trùng hơn.
Số lượng bạch cầu trong cơ thể giảm trong thời gian nhịn ăn. Tuy nhiên, khi chu kỳ nhịn ăn kết thúc và cơ thể nhận được thức ăn, số lượng bạch cầu tăng lên.
Kết luận
Nhịn ăn có nghĩa là không ăn hoặc tiêu thụ rất ít calo trong một khoảng thời gian nhất định. Chu kỳ nhịn ăn có thể kéo dài từ 12 giờ đến 3 tuần.
Thời gian nhịn ăn ngắn và dài có kết quả đầy hứa hẹn trong điều trị và phòng ngừa ung thư, theo nhiều nghiên cứu. Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ lịch trình nhịn ăn nào mang lại kết quả tốt nhất.
Những người muốn biết thêm về việc nhịn ăn và liệu việc làm này có mang lại lợi ích cho họ hay không trong quá trình điều trị ung thư cần xem xét nói chuyện với bác sĩ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!