Trong những ngày vừa qua, báo chí tốn nhiều giấy mực với việc người mẫu Kim Phượng lên tiếng tố cáo họa sĩ body painting Ngô Lực xâm hại cô. Đây là một câu chuyện hi hữu, chưa từng xảy ra trong giới làm nghệ thuật khỏa thân. Việc một người mẫu dám đứng lên tố cáo họa sĩ đã xới lên rất nhiều vấn đề. Trong đó, điều đáng băn khoăn nhất là phải chăng môi trường nghệ thuật khỏa thân ở Việt Nam quá thiếu chuyên nghiệp? Riêng với người mẫu Kim Phượng, cô cho biết mình đã bị thất nghiệp sau khi đứng lên tố cáo.
Câu chuyện của Kim Phượng vẫn chưa có hồi kết. Tuy nhiên, câu chuyện đã tiếp thêm can đảm cho nhiều người mẫu khỏa thân khác dám nói lên câu chuyện của mình. Qua lời kể của họ, người dân mới hiểu hơn, nghệ thuật khỏa thân, một mảnh đất vốn được xem là "thần bí", cấm kỵ, hóa ra lại là một nghề nguy hiểm đến như vậy, nguy hiểm cho cả hai phía nghệ sĩ và người mẫu.
Theo lẽ thường, khi tham gia một ngành nghề "nguy hiểm" ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, bất cứ ai cũng phải có những cách để bảo vệ mình ở góc độ pháp lý. Tuy nhiên, một sự thật đáng buồn là 100% nghệ sĩ và người mẫu khỏa thân ở nước ta chỉ dùng hợp đồng miệng, tức là chỉ cần tin nhau là đủ.
Mới đây, Hội Mỹ thuật TP.HCM đã đồng ý lên tiếng ở khía cạnh đóng góp ý kiến xây dựng môi trường để nghệ thuật khỏa thân trở nên lành mạnh, chuyên nghiệp hơn. Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm cho biết sẽ tổ chức triển lãm ảnh "nude" vào cuối tháng 7 nhằm phân biệt giữa ảnh khỏa thân nghệ thuật và ảnh khỏa thân mạo danh nghệ thuật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!