Cơ thể em bé cần rất nhiều canxi để phát triển hệ xương. Canxi sẽ được lấy từ cơ thể của người mẹ. Vì thế, bà bầu cần bổ sung đầy đủ canxi trong suốt thai kỳ. Thiếu canxi là nguyên nhân hàng đầu khiến các bà bầu bị loãng xương khi đến tuổi trung niên.
Giáo sư Adrian Martineau cho biết: "Vitamin D giúp hấp thụ canxi tốt hơn, thuận lợi cho quá trình tạo xương cho bé. Không những thế, vitamin D còn giúp ổn định huyết áp cho bà bầu. Việc phòng tránh cúm cũng sẽ hiệu quả hơn. Những người có đủ vitamin D thường ít bị cảm và cúm".
Vitamin B9 hay còn gọi là Acid Folic cũng rất cần thiết cho cơ thể, nhất là với phụ nữ có thai. Việc thiếu chất này có thể gây ra bệnh thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ và nhiều vấn đề khác. Thiếu acid folic làm giảm tốc độ tổng hợp ADN và hoạt động phân bào trong mỗi tế bào. Với phụ nữ mang thai, acid folic còn giúp giảm nguy cơ dị tật do khiếm khuyết ống thần kinh thai nhi. Tuy nhiên, khi cơ thể thừa acid folic cũng có thể gây ra chứng ngứa, nổi ban, nổi mề đay và rối loạn tiêu hóa. Do vậy, tùy tình trạng cơ thể và sức khỏe của từng thai phụ, bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng cho phù hợp.
Các bà mẹ nên bổ sung DHA và EPA, những dưỡng chất quan trọng đối với sự phát triển và chức năng của não, thần kinh và mắt của em bé. Thậm chí, những dưỡng chất này còn có thể ngăn ngừa sinh non, giúp người mẹ giảm trầm cảm khi mang thai và sau khi sinh, giảm nguy cơ mắc chứng tiền sản giật trong thai kỳ. DHA có nhiều trong sữa, các loại cá béo như cá basa, cá ngừ, cá hồi, cá mòi, lòng đỏ trứng, tôm…
Trong mỗi giai đoạn của thai kỳ, nhu cầu sắt của mẹ bầu lại khác nhau. Nhu cầu về sắt sẽ gia tăng sau tuần thai thứ 20 để đáp ứng đủ lượng máu, tránh nguy cơ thiếu máu cho mẹ và sự phát triển bình thường của bé. Sau tuần thai thứ 20, khối lượng máu trong cơ thể người mẹ cần tăng gấp đôi để cung cấp đủ chất dinh dưỡng và oxy nuôi em bé.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!