Những lễ hội du Xuân không nên bỏ lỡ

Ngọc Bích (Ban Thời sự) - Ảnh: TTXVN-Thứ năm, ngày 02/02/2017 17:30 GMT+7

VTV.vn - Các lễ hội này diễn ra từ mùng 6 Tết Định Dậu tại nhiều địa phương trên cả nước.

1. Lễ hội Chùa Hương tại Mỹ Đức, Hà Nội: Mùng 6 đến hết tháng 3 (Âm lịch)

Là lễ hội kéo dài nhất ở Việt Nam, lễ hội Chùa Hương ở Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội bắt đầu từ ngày mùng 6 Tết cho tới hết tháng 3 Âm lịch.

Trong năm mới Đinh Dậu 2017, tuyến đường dẫn vào chùa Hương được cải tạo mở rộng, giúp giảm tải ách tắc giao thông vào những ngày cao điểm.

Những lễ hội du Xuân không nên bỏ lỡ - Ảnh 1.

Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương cũng mở thêm một cổng bán vé để du khách từ các tỉnh thành phía Nam có thể theo trục đường này về lễ hội với đoạn đường ngắn hơn, giảm thời gian và chi phí di chuyển. Giá vé tham quan thắng cảnh và đò thuyền tại Chùa Hương năm nay sẽ tăng từ 14.000 - 30.000 đồng tùy từng hạng vé.

2. Lễ hội Đền Gióng, Sóc Sơn, Hà Nội: Từ 6/1 - 8/1 Âm lịch

Một lễ hội tiêu biểu khác cũng được khai hội vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch là Lễ hội Đền Gióng được tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Theo truyền thuyết đây chính là nơi dừng chân cuối cùng của Thanh Gióng trước khi bay về trời. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên Đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng.

Hội Gióng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2011.

3. Lễ hội Tịch Điền, Hà Nam: Khai hội vào mùng 7/1 Âm lịch

Lễ hội Tịch Điền, Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam là một lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông, nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội. Lần đầu tiên nghi thức lễ tịch điền này được diễn ra vào thế kỷ X ở Hà Nam, trên quê hương vua Lê Đại Hành.

Lễ hội còn có hội thi vẽ trâu, những con trâu to khỏe của Đọi Sơn sẽ được các họa sĩ trang trí theo chủ đề của từng năm. Con trâu đẹp nhất được chọn để người sắm vai vua Lê Đại Hành cày tịch điền.

4. Hội chợ Viềng, Nam Trực, Nam Định: Đêm mùng 7 đến hết 8/1 Âm lịch

Những lễ hội du Xuân không nên bỏ lỡ - Ảnh 2.

Hội chợ Viềng diễn ra tại xã Kim Thái (huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

Chợ Viềng mỗi năm chỉ họp duy nhất một phiên, bày bán chủ yếu là các loại cây trồng, nông cụ và đồ cổ, từ hoa cây cảnh đến cuốc, xẻng và cả những những bộ tế khí, lư hương đồng…

Với quan niệm đi chợ Viềng "mua may, bán rủi", người bán kẻ mua đều vui vẻ, người bán không nói thách và người mua cũng không mặc cả. Đây là một trong những hội mà bà con không nên bỏ qua trong dịp Tết 2017

5. Hội Xoan - Tam Thanh, Phú Thọ Mùng 10/1 Âm lịch

Diễn ra tại Làng Hương Nha, huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội tưởng nhớ Xuân Nương, một nữ tướng tài giỏi của Hai Bà Trưng.

Mùng 10 tháng Giêng diễn trò trình nghề ở bãi sông trước đình làng. Các vai diễn cày, bừa, gieo mạ, tát nước, bán con ngài tằm, bán bông rất hấp dẫn.

6. Hội Lim, Tiên Du, Bắc Ninh: Ngày 13/1 Âm lịch

Những lễ hội du Xuân không nên bỏ lỡ - Ảnh 3.

Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du.

Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc. Là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc với dân ca quan họ nổi tiếng. Các làng quan họ xung quanh mang liền anh, liền chị tới hát giao duyên, hát đối đáp trên bề, dưới bến.

Ngoài ra, hội còn có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm...

7. Lễ hội Yên Tử, Uông Bí, Quảng Ninh: Từ 10/1 đến tháng 3 Âm lịch

Lễ hội Yên Tử (ở xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) sẽ chính thức khai mạc vào ngày 10/1 Âm lịch tức 6/2 Dương lịch tại Chùa Trình và kéo dài trong 3 tháng đầu năm âm lịch.

Đến thời điểm này, BTC lễ hội đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa bao gồm tổ chức các trò chơi dân gian như chọi gà, kéo co, ném còn; biểu diễn nghệ thuật, múa rồng lân, võ thuật; biểu diễn nghệ thuật tại nhà ga 1 cáp treo và triển lãm hoa mai vàng Yên Tử.

8. Lễ hội đền Trần 2017: Từ 11/1 đến 16/1 Âm lịch

Những lễ hội du Xuân không nên bỏ lỡ - Ảnh 4.

Để đảm bảo an ninh trật tự, tránh tình trạng xô đẩy, chen lấn như mọi năm, năm nay BTC lễ hội đền Trần sẽ phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương sớm hơn 30 phút so với lễ hội năm 2016, từ 5h ngày 15/1 Âm lịch tại 3 nhà: Giải Vũ, Nhà trưng bày đền Trùng Hoa.

Lễ hội đền Trần năm 2017 sẽ diễn ra từ ngày 11/1 - 16/1 Âm lịch. Cũng theo BTC, Lễ hội đền Trần năm 2017 sẽ không ấn định số lượng ấn phát ra cho nhân dân và du khách thập phương, vì thế sẽ đảm bảo đủ ấn cho nhân dân và du khách.

9. Lễ hội núi Bà Đen, Tây Ninh: Từ mùng 4/1 Âm lịch

Được đánh giá là vùng đất tâm linh vào hàng bậc nhất tại khu vực phía Nam, Lễ hội núi Bà Đen là một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất phía Nam diễn ra từ mùng 4 Tết.

Trên đường leo núi du khách có thể dừng chân tại đền Linh Sơn Thánh Mẫu hoặc Miếu Sơn Thần.

Du khách trẩy hội Bà Đen để cầu hộ, giải tỏa nhu cầu tâm linh và cũng là dịp ngắm phong cảnh hùng vĩ của núi Bà Đen.

Người dân nô nức du xuân dịp đầu năm mới Đinh Dậu Người dân nô nức du xuân dịp đầu năm mới Đinh Dậu

VTV.vn - Những ngày đầu năm mới là thời điểm mùa lễ hội lớn của cả nước. Người dân đi du xuân vừa được hòa mình vào thiên nhiên, vừa tham quan những di tích nổi tiếng và cầu an.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước