Các nhà khoa học cảnh báo rằng vụ tuyệt chủng hàng loạt thứ 6 trên Trái đất có thể đang diễn ra do các hoạt động của con người kể từ Thời đại Khám phá (Age of Exploration). Một số còn nghi ngại rằng số lượng loài bị tuyệt chủng cho tới năm 2050 có nguy cơ chiếm tới 40% các loài còn tồn tại trên Trái đất hiện tại.
Nic Rawlence – giám đốc Phòng thí nghiệm Di truyền, giảng viên cao cấp về DNA cổ đại tại Đại học Otago, New Zealand cho biết: “Tôi nghĩ điều đó (cuộc tuyệt chủng thứ 6) rất có thể sẽ xảy ra. Nếu không bị tuyệt chủng hoàn toàn, các loài khó thích nghi với sự thay đổi nhanh của môi trường hiện tại sẽ đối mặt với các vấn đề khác như giảm thiểu số lượng cá thể, tuyệt chủng cục bộ và tuyệt chủng về mặt chức năng”.
Theo Danh sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) về các loài bị đe dọa, khoảng 41.000 – gần 1/3 tổng số loài được đánh giá hiện đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Một số loài tiêu biểu trong nhóm này là đười ươi Sumatra (Pongo abelii), báo Amur (Panthera pardus orientalis), voi Sumatra (Elephants maximus sumatranus), tê giác đen (Diceros bicornis), rùa biển đồi mồi (Eretmochelys imbricata), hổ Sunda…
Danh sách các loài Cực kỳ nguy cấp của IUCN chứa tên các loài có nguy cơ tuyệt chủng cực cao do có số lượng cá thể giảm nhanh, từ 80% đến 90% trong hơn 10 năm trở lại đây hoặc chỉ còn lại dưới 50 cá thể. Nhiều loài trong số này đang bị đe dọa nghiêm trọng đến mức chúng có thể không tồn tại được đến năm 2050. Ví dụ, chỉ có 70 con báo Amur vẫn còn trong tự nhiên, trong khi Vaquita (Phocoena sinus), một loài cá heo được cho là loài động vật biển có vú quý hiếm nhất thế giới, chỉ còn 10 cá thể. Một số loài côn trùng góp mặt trong danh sách này là châu chấu đầu trắng (Chorthippus acroleucus), dế bụi Nam Alpine (Anonconotus apenninigenus), bướm xanh Swanepoel (Lepidochrysops swanepoeli), ong vò vẽ Franklin (Bombus Franklini), ong nghệ Franklin, châu chấu không cánh Seychelles (Procytettix fusiformis).
Rất khó để có thể xác định chính xác số lượng các loài có khả năng bị tuyệt chủng vào năm 2050, phần lớn là do quy mô của sự tuyệt chủng vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng nếu những hành động quyết liệt không được thực hiện càng sớm càng tốt, cuộc tuyệt chủng quy mô lớn lần thứ 6 diễn ra sẽ là điều không tránh khỏi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!