Quả dành dành khô và thành phẩm khi trộn với bột làm bánh.
Tìm đến những nguyên liệu thuần tự nhiên đang là xu hướng phổ biến thời gian gần đây trong chế biến thực phẩm để có những món ăn ngon, an toàn cho sức khoẻ.
Các nguyên liệu quen thuộc để pha màu trong thực phẩm có thể kể đến như lá cẩm (lấy màu tím), rau chân vịt, trà xanh (lấy màu xanh lá cây), hoa đậu biếc (lấy màu xanh da trời), quả gấc, củ dền (lấy màu đỏ)...
Từ trước đến nay nhiều người vẫn thường dùng bột nghệ để lấy màu vàng. Tuy nhiên còn một loại quả khác có chiết xuất màu vàng tươi tắn, không bị nhạt sau khi chế biến món ăn là quả dành dành. Thành phẩm thức ăn cũng không có mùi hăng như nghệ.
Nước nhuộm màu quả dành dành trộn chung với bột hoặc gạo nếp để làm bánh.
Quả dành dành thường được hái vào thời điểm tháng 8 đến tháng 10 khi đã chín già. Trái được ngắt bỏ cuống rồi sấy khô hoặc phơi khô. Trước khi dùng nên rửa sạch, để ráo nước. Sau đó bắc nồi nước sôi và cho quả dành dành đã đập dập vào đun. Tiếp đến lọc qua rây để lấy nước nhuộm màu. Để nước nguội rồi cho từ từ vào bột để nhuộm màu làm bánh, hoặc trộn cùng với gạo nếp để nấu xôi.
Màu vàng rực rỡ của quả dành dành được nhiều người yêu thích khi chế biến thực phẩm.
Quả dành dành còn có tên là chi tử, thủy hoàng chi, bạch thiên hương, mác làng cương... Loại quả dại mọc ở nhiều nơi, được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian để giải nhiệt, lợi tiểu, cầm máu...
Sau khi hấp chín, màu vàng của quả dành dành vẫn tươi tắn, không bị ngả vàng hay bạc màu. Điều này giúp món ăn thêm ngon mắt hơn.
Theo nghệ nhân ẩm thực Đỗ Thị Phương Nhi, quả dành dành phơi khô dễ bảo quản để dùng được lâu. Tuy vậy người dùng nên gia giảm phù hợp vì hạt dành dành có vị hơi đắng nếu dùng quá nhiều.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!