Thực hiện Quyết định 1719, về chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, tại khu vực Nam Trung bộ, nhiều mô hình đã được triển khai và đem lại hiệu quả, cải thiện thu nhập cho người dân địa phương. Trong đó, phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào Raglay là mô hình đã được tỉnh Ninh Thuận triển khai.
Tại làng du lịch cộng đồng Chapi, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, 10 hộ dân trong làng được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà sàn để kinh doanh du lịch homestay. Thông qua việc tham gia hướng dẫn các tour du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử , đời sống kinh tế của đồng bào Raglay nơi đây đã được cải thiện.
Mô hình du lịch mới đã tạo ra sinh kế cho bà con vùng đồng bào Raglay
Anh Ka Tơ Hiệp (Xã Phước Bình, Bác Ái, Ninh Thuận) cho biết: "Một tuần có 2,3 đợt khách sẽ giúp có nguồn thu nhập cho những người phục vụ ở đây. Có khi khách du lịch về còn tặng quà cho bà con. 2 năm gần đây, kinh tế bà con đã dần ổn định".
Với mục tiêu đa dạng nguồn thu nhập, từ năm 2019-2022, tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ xây dựng 13 điểm du lịch sinh thái cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng.
Tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình kinh tế mới cho bà con ở vùng dân tộc thiểu số Raglay
Ông Trịnh Minh Hoàng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận) cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đầu tư hạ tầng thiết yếu, tiếp tục xây dựng nhân rộng mô hình kinh tế, mô hình sản xuất hiệu quả cho đồng bào dân tộc thiểu số".
Với phương châm "trao cần câu, không trao con cá", mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở vùng dân tộc thiểu số Raglay tỉnh Ninh Thuận đã và đang mang lại "lợi ích kép" cho bà con. Qua đó, vừa góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, vừa tạo sinh kế bền vững cho đồng bào, ngay trên mảnh đất quê hương mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!