Nói chuyện yêu đương với con cái: Không vẽ đường thì hươu vẫn chạy!

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 18/02/2023 13:21 GMT+7

VTV.vn - Theo nhiều chuyên gia giáo dục tâm lý, thay vì ngăn cản, cha mẹ nên chia sẻ, trò chuyện cùng với con trong câu chuyện yêu sớm.

Sự việc em học sinh lớp 7 tại Bắc Giang bất ngờ sinh con khiến dư luận quan tâm. Trong khi bạn bè còn đến trường, bé gái lớp 7 phải đối mặt với vô vàn khó khăn, quá nhỏ để làm mẹ, quá nhỏ để hiếu hết những gì mình đang phải đối mặt, quá nhỏ để gánh chịu áp lực từ dư luận. Trước vụ việc này, nhiều cha mẹ chia sẻ nỗi lo con đã đến tuổi dậy thì, làm sao để bảo vệ con.

Nỗi lo này không phải không có cơ sở. Theo Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế, trong 300.000 – 400.000 vụ phá thai hàng năm, có tới 60 – 70% là học sinh, sinh viên ở độ tuổi từ 15 – 19 tuổi. Ngày nay, cấm đoán trẻ không được yêu là điều khó vì có rất nhiều thời gian con trẻ ở bên ngoài vòng tay bố mẹ. Con đi đâu, làm gì, gặp gỡ ai là điều cha mẹ khó kiểm soát hết. Vậy làm thế nào để con hiểu và có trách nhiệm với cảm xúc yêu đương của bản thân?

Những tín hiệu cảm xúc với người khác giới đến với mỗi người một cách tự nhiên, đặc biệt trong giai đoạn dậy thì. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ không chấp nhận được điều này. Chính vì vậy, những cuộc trò chuyện, định hướng cởi mở giữa cha mẹ và con cái đã không diễn ra đủ sớm để trẻ có thể hiểu những gì sẽ đến với mình. Trẻ ngỡ ngàng, lúng túng trước những cảm xúc của bản thân. Khi tò mò hỏi cha mẹ, nhiều bạn bị mắng, bị cho là hư hỏng. Có cha mẹ cực đoan còn xem trộm nhật ký, tin nhắn của con, khiến con sợ hãi, khó chịu, bức xúc và không mở lòng. Như vậy, con cái trở nên xa lánh bố mẹ, âm thầm với cảm xúc riêng của chính mình.

"Khi các chưa sẵn sàng, chưa có đủ kỹ năng và có hành vi như vậy sẽ dẫn đến hậu quả về cả tình thần và thể chất, làm tăng tỷ lệ nạo phá thai, đó là yêu sớm theo nghĩa của tôi. Nhưng đến bây giờ, cùng với sự chín muồi về phương diện xã hội, về thể chất do yếu tố dinh dưỡng ngày càng tốt lên, tuổi dậy thì đã xuống giai đoạn từ 10 – 12 tuổi. Khi dậy thì, câu chuyện có cảm xúc cảm mến với người khác giới là điều bình thường. Bố mẹ không tôn trọng những cảm xúc này, các con sẽ có xu hướng giấu", PGS.TS Trần Thành Nam – Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ.

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng nói với con về chuyện yêu đương không khác nào vẽ đường cho hươu chạy. Nhưng thực tế, hươu trước sau gì cũng chạy, dù có được vẽ đường hay không, đặc biệt trong thời đại trẻ tiếp cận với thông tin sớm như hiện nay. Chính vì thế, theo nhiều chuyên gia giáo dục tâm lý, thay vì ngăn cản, cha mẹ nên chia sẻ, trò chuyện cùng với con.

Ai cũng trải qua thời niên thiếu với rung động đầu đời. Nhớ lại lần đầu tiên rung động trước người bạn khác giới là khi nào, đối chiếu với lứa tuổi của con mình thì cha mẹ cũng nhận ra rằng tình yêu luôn là nhu cầu bình thường của con người. Tình yêu tuổi trẻ sẽ không dẫn tới một cuộc hôn nhân nhưng nó có tác động rất lớn đến suy nghĩ của người trẻ về hôn nhân, tình yêu sau này. Những đứa trẻ mới lớn cũng được tiếp thêm động lực mạnh mẽ nếu phải đối mặt với khó khăn đầu đời. Hơn nữa, các em cũng cần hiểu sâu sa về tình yêu rộng lớn không chỉ dừng lại ở mối quan hệ nam – nữ mà đó còn là yêu gia đình, quê hương, đất nước và yêu những điều bé nhỏ các em say mê. Hạnh phúc có thể đến từ bất cứ đâu chứ không phải chỉ từ việc yêu một ai đó hoặc được ai đó yêu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước