Phải chăng thực phẩm bẩn đang khó lòng được đẩy lùi khi người tiêu dùng đang vô tư ăn uống tại nhà hàng và những quán ăn đường phố mà không hề bận tâm đến an toàn, vệ sinh trong chế biến?
Không phải ngẫu nhiên mà ẩm thực trở thành điểm nhấn để khai thác trong chuyên mục "Cuộc sống đường phố Hà Nội" do Đài truyền hình Mỹ CNN thực hiện thời gian gần đây. Bánh tôm, chả cá, bún riêu cua, cà phê trứng… lần lượt gợi lên nhiều tò mò và thích thú với người ngoại quốc, dần trở thành điểm nhấn của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, cũng chính từ chuyện ăn uống, mà chính xác là thực phẩm bẩn, đã tạo ra không ít lo ngại và tranh cãi trong nhiều năm qua.
Ẩm thực đường phố đã trở thành một phần văn hóa người dân Việt Nam
Hàng quán nhỏ trăm đường tiện lợi
Các cửa hàng, quán ăn vừa và nhỏ đã trở thành một phần trong bức tranh an toàn thực phẩm phức tạp hiện nay. Đây là nơi được lựa chọn hàng đầu cho các buổi ăn trong ngày, dù là để lót dạ, no bụng hay thỏa cơn ‘ghiền’ ẩm thực bởi trăm đường tiện lợi. Tuy nhiên, cũng vì thế, dừng chân ở những quán không hợp vệ sinh đã trở thành điều bất khả kháng của nhiều thực khách.
Thứ nhất, độ phủ rộng của hàng quán vừa và nhỏ giúp việc thỏa mãn nhu cầu ăn uống vô cùng tiện lợi. Sự hiện diện dày đặc của chúng tạo ra bức tranh phong phú của ẩm thực Việt Nam nhưng đi kèm đó là nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm, nhất là với những địa chỉ thức ăn gia đình, chế biến theo thói quen truyền thống.
"Việc chế biến thủ công, theo cách gia truyền tất nhiên chỉ có thể đảm bảo vệ sinh tương đối, chứ không tuyệt đối được", cô Lê Thị Phương, chủ một quán ăn và nước giải khát tại Hà Nội cho biết.
Thứ hai là giá cả phải chăng. "Mình thích ăn ở các quán bình dân vì thuận tiện, ở đâu cũng có, ngồi ăn uống cũng thoải mái và quan trọng nhất là giá rẻ", Minh Tuấn, sinh viên học tại quận 10, TP HCM cho hay. Rõ ràng, với đại đa số người dân, những địa chỉ giá rẻ, dù sạch hay không, là lựa chọn tất yếu để phù hợp khả năng chi tiêu.
Hàng quán nhỏ trăm đường tiện lợi
Thứ ba, việc ăn uống của một số thực khách còn "dễ dãi". Tâm lý "khuất mắt trông coi" khiến nhiều người sẵn sàng chấp nhận chọn ăn ở bất kỳ hàng quán nào chỉ vì lý do hợp khẩu vị. Với họ, không thấy cảnh chế biến mất vệ sinh cũng đồng nghĩa với việc đồ ăn đã sạch sẽ, một kiểu tự ‘lừa dối bản thân’ không hề hiếm gặp.
Trong lúc chi tiêu cho ăn uống đang chiếm đến 1/3 chi tiêu của người Việt thì sự phát triển của thị trường ẩm thực, đặc biệt là các hàng quán nhỏ lẻ với phù hợp với số đông, là xu thế tất yếu. Dĩ nhiên, trong hàng trăm nghìn hàng quán thì việc một số đơn vị chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là điều không tránh khỏi. Vả lại, cũng vì quá nuông chiều khẩu vị của bản thân, người tiêu dùng đã "tình cờ" bỏ lơ hết các yếu tố "tất lẽ dĩ ngẫu" khi thưởng thức mọi món ăn đảm bảo vệ sinh: sạch, an toàn và đủ dinh dưỡng.
Chung tay để ăn uống ‘thông minh’
Chỉ trong 10 tháng đầu của năm 2018, cả nước đã xảy ra 91 vụ ngộ độc thực phẩm, khiến hơn 2.010 người ngộ. Cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, xử phạt 99 công ty, đơn vị vi phạm về an toàn thực phẩm với số tiền gần 6 tỷ đồng. Đây là một ví dụ rất nhỏ, chưa tính đến những tích lũy hóa chất gây ảnh hưởng sức khỏe về lâu dài.
Trước thực trạng này, bài toán thay đổi trong hành vi và thói quen của người tiêu dùng cũng như các đơn vị kinh doanh thực phẩm đang trở nên cấp thiết. Đối với người tiêu dùng, cần thiết phải có thêm nhiều hoạt động cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm theo cách thức trực quan, sinh động để thực sự lôi cuốn và dễ ghi nhớ.
Tại sự kiện hưởng ứng ngày An toàn thực phẩm thế giới do Cục An toàn thực phẩm và Grab (thông qua GrabFood) tổ chức vừa qua, mô hình gian hàng minh họa và tương tác "Năm chìa khóa an toàn thực phẩm" của WHO được đánh giá là cách thức triển khai mềm mại, và bước đầu hiệu quả.
"5 chìa khóa để thực phẩm an toàn hơn" của WHO
Theo đó, gian hàng tái hiện năm bước thực hiện món nem rán truyền thống đảm bảo an toàn thực phẩm, mang đến trải nghiệm thực tế gần gũi và bổ ích, giúp người tham gia hình dung được rõ ràng hơn về quy trình chế biến món ăn tiêu chuẩn. Nếu việc này được nhân rộng thì thực khách sẽ có nhiều kiến thức hơn để lựa chọn các hàng ăn sạch sẽ cho bản thân.
Trong khi đó, đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống, ngoài việc thường xuyên kiểm tra, cơ quan chức năng có thể mở rộng cách thức và kênh tuyên truyền, hướng dẫn về an toàn vệ sinh thực phẩm bằng việc tận dụng sự phát triển của những nền tảng giao nhận thức ăn với công nghệ hiện đại cũng như mạng lưới kết nối rộng khắp như GrabFood và rất nhiều ứng dụng khác hiện nay. Các ứng dụng này vốn đang là một kênh tăng doanh thu cũng như tiếp cận khách hàng hiệu quả của nhiều cơ sở vừa và nhỏ nên sẽ có ‘tiếng nói’ nhất định.
"Mỗi năm tôi đều được tham gia tập huấn một lần. Theo tôi, nếu có thể tiếp cận với nhiều tài liệu trực quan bằng hình ảnh hơn thì sẽ phần nào dễ dàng cho các hộ kinh doanh áp dụng vào chế biến hàng ngày", cô cô Phạm Thị Kim Lan, chủ quán xôi tại Quán Sứ (Hà Nội) góp ý thêm.
Trước đó, Grab chủ động nhiều giải pháp như chuỗi tuyên truyền kiến thức đến nhà cung cấp về một số thói quen không hợp vệ sinh trong chế biến, lưu ý về nấu nướng và đóng gói theo điều kiện thời tiết. Những nhà hàng bị khách hàng phản ánh là mất vệ sinh sẽ có nhân sự từ Grab đến xác minh và có thể tạm dừng hợp tác cho đến khi được khắc phục.
GrabFood khẳng định trách nhiệm trong công cuộc giải quyết vấn đề ATTP
Bằng những giải pháp mới, song song với lựa chọn thông minh và hiểu biết của chính người tiêu dùng, ẩm thực đường phố sẽ có cơ hội được lành mạnh hóa, góp phần đẩy lùi tình trạng thực phẩm bẩn để nâng cao sức khỏe cộng đồng.