Osechi - Món ăn đặc biệt của người Nhật ngày đầu năm mới dương lịch

Theo VOV-Thứ hai, ngày 31/12/2018 21:32 GMT+7

VTV.vn - Vào ngày đầu tiên của năm mới dương lịch, người Nhật Bản thường ăn Osechi - món ăn đặc biệt cả về hình thức và nội dung.

Osechi là bữa ăn đón mừng năm mới của người Nhật Bản với nhiều món khác nhau. Món ăn này bắt đầu từ Heian (794-1185). Osechi là thức ăn đặc biệt của người Nhật cả về hình thức lẫn nội dung.

Thức ăn đựng vào một tráp sơn rất đẹp có nhiều ngăn, mỗi ngăn đựng một loại thức ăn. Từng món đều có ý nghĩa cầu phúc với những điềm tốt lành. Ngày xưa, Osechi chỉ có một vài món, nhưng Osechi ngày nay có tới vài chục món khác nhau, thể hiện một cuộc sống viên mãn trong năm mới.

Osechi - Món ăn đặc biệt của người Nhật ngày đầu năm mới dương lịch - Ảnh 1.

Món Osechi.

Osechi không thể mua ở bất cứ cửa hàng nào mà chỉ có thể đặt qua nhà sản xuất. Theo công ty vận chuyển Yamato, năm nay số lượng đặt osechi vẫn tăng, nhưng riêng ở khu vực Hokkaido, đến ngày hôm nay (31/12), có khoảng 1268 khách hàng đã không thể nhận Osechi đúng hạn vì việc vận chuyển khó khăn do thời tiết.

Các món trong một Osechi đều có một ý nghĩa đặc biệt. Món Daidai (cam đắng Nhật Bản) biểu tượng cho một lời chúc dành cho trẻ em vào dịp năm mới. Daidai có nghĩa là "từ thế hệ này đến thế hệ khác" khi được viết bằng Hán tự là 代々.

Datemaki - trứng cuộn vị ngọt trộn với tương cá hoặc tôm nghiền. Món này tượng trưng cho lời chúc cho nhiều ngày tốt lành. Kamaboko (蒲鉾): bánh cá nướng. Theo truyền thống, các lát kamaboko trắng đỏ sẽ được xếp xen kẽ thành hàng hoặc xếp theo một hoa văn nào đó. Màu sắc và hình dạng của chúng gợi nhớ đến Nhật Bản với biệt danh "đất nước mặt trời mọc" với ý chúc mừng.

Osechi - Món ăn đặc biệt của người Nhật ngày đầu năm mới dương lịch - Ảnh 2.

Bánh dày Nhật.

Kazunoko - món trứng cá trích. Kazu có nghĩa là "số" và "ko" nghĩa là "đứa trẻ". Món này tượng trưng cho lời chúc con đàn cháu đống dịp năm mới.

Tazukuri là món cá mòi khô sốt nước tương. Tên món ăn có nghĩa đen là "người khai khẩn ruộng lúa", vì trong lịch sử, cá đã được sử dụng để làm giàu đất ruộng. Món này tượng trưng cho vụ mùa bội thu.

Một món không thể thiếu trong ngày tết Nhật Bản đó là món bánh dày (mochi).

Ăn bánh dày ngày Tết thể hiện sự ấm no, hay cầu cho vụ mùa bội thu và khu vực được an toàn trong năm mới.

Hằng năm, đền Yasuzumi ở thị trấn Takanezawa, tỉnh Tochigi, đều tổ chức nghi lễ dâng bánh dày trước năm mới. Năm nay, chiếc bánh dày có 3 tầng, nặng khoảng 700kg và cao 90cm. Tầng dưới cùng có đường kính hơn 1m, trở thành chiếc bánh dày lớn nhất Nhật Bản. Đây là sự thể hiện mong muốn của Nhật Bản về một năm mới an lành và phát triển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước