Phát huy tiềm năng làng nghề truyền thống Hà Nội

Thanh Thảo, Thanh Hoàng-Thứ tư, ngày 15/05/2024 05:30 GMT+7

VTV.vn - Hà Nội vừa có thêm 15 làng nghề được công nhận là làng nghề Hà Nội và làng nghề truyền thống.

Như vậy Hà Nội có tổng cộng 1.500 làng nghề và làng có nghề. Các làng nghề vừa góp phần tích cực vào phát triển kinh tế địa phương, vừa thu hút du lịch. Chính quyền địa phương cũng đã có kế hoạch để phát huy tiềm năng, lợi thế, gia tăng giá trị... cho các sản phẩm làng nghề. Còn người dân phấn khởi và tự hào khi làng nghề của mình được công nhận.

Cũng như mọi người dân ở làng mây tre đan xã Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội, bà Nụ không biết nghề của làng mình có từ bao giờ. Bà chỉ biết, nhờ có nghề cùng mấy sào ruộng mà nuôi nấng được 5 con khôn lớn, trưởng thành. Còn giờ, mỗi ngày được gặp lại hàng xóm láng giềng, mỗi người một việc, vui hơn cả có thêm thu nhập.

Bà Đinh Thị Nụ (Thôn 3, xã Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: "Tôi rất phấn khởi, cảm thấy rất đầm ấm. Vào ngày Chủ nhật, các cháu nghỉ học sẽ ngồi làm cùng bố mẹ. Tôi vẫn có niềm tin nghề này không bao giờ mất đi".

Gần 20 năm nay, bà Thành chuyển nguyên liệu cho người dân trong làng sản xuất rồi thu mua sản phẩm.

Mỗi tháng, hơn 100 hộ dân làm ra được khoảng 10 nghìn sản phẩm để đưa đến các thị trường trong và ngoài nước.

Cũng có những giai đoạn khó khăn, khi sản phẩm làm ra không bán được, nhiều người bỏ nghề. Nhưng bà Thành vẫn kiên trì bám trụ, động viên mọi người ở lại cho đến hôm nay.

Bà Nguyễn Thị Thành chia sẻ: "Có những người không đi làm được, không chỗ nào nhận nữa thì nghề này vẫn là nghề kiếm được tiền, đỡ được con cháu phần nào. Mình cứ làm tùy cơ, ứng biến. Ví dụ khách nhiều đến đâu thì lại mở rộng thị trường thêm đến đấy".

Phát huy tiềm năng làng nghề truyền thống Hà Nội - Ảnh 1.

Được làm từ tre, nứa, thân thiện với môi trường là ưu điểm của các sản phẩm mây tre đan. Bởi thế mà không chỉ được ưa chuộng ở thị trường trong nước, nhiều sản phẩm còn được xuất khẩu đến một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Làng Vạn Phúc cùng 14 làng nghề khác vừa được công nhận là làng nghề Hà Nội và làng nghề truyền thống.

Đây là cơ hội để địa phương dồn nguồn lực đầu tư, khôi phục lại nghề và xa hơn nữa là mở rộng thêm thị trường xuất khẩu.

Anh Lã Văn Dũng cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, khôi phục lại các sản phẩm cũ, sản phẩm truyền thống để tiếp tục quảng bá, tìm lại thị trường, mời các nghệ nhân truyền lại, làm khơi dậy niềm đam mê của thế hệ thanh niên".

Ông Nguyễn Văn Sinh (Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: "Để thúc đẩy và duy trì làng nghề, chúng tôi đã chủ động đề xuất với các cấp dành 1 quỹ đất khoảng 3000 m2 ở ngoài khu vùng bãi, tức là vùng ngoài đê, xa khu dân cư để nhân dân ra đó tập trung phát triển". Hiện có 1/3 dân số ở xã Vạn Phúc làm nghề mây tre đan.

Những chiếc giỏ quà, lẵng hoa từ mây tre đan này gắn với mọi buồn vui của người dân Vạn Phúc. Nhưng hơn tất cả là niềm tự hào vì sau bao thăng trầm, nghề mây tre đan đã được công nhận là một làng nghề Hà Nội.

Làng nghề chằm nón ngựa hơn 300 tuổi ở Bình Định Làng nghề chằm nón ngựa hơn 300 tuổi ở Bình Định

VTV.vn - Bình Định có làng nghề hình thành hơn 300 năm và có liên quan đến cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, đó là làng nghề chằm nón ngựa Phú Gia.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước