Phong tục Tết Đoan Ngọ ở miền Bắc và miền Nam

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 30/05/2017 10:09 GMT+7

VTV.vn - Trong ngày Tết Đoan Ngọ, ở mỗi nơi, mỗi vùng miền lại có các hoạt động văn hóa và món ăn đặc trưng riêng.

Ngày 30/5, theo Âm lịch là ngày 5/5, tức là Tết Đoan Ngọ, dân gian còn gọi là Ngày Giết sâu bọ. Vào ngày này, các gia đình thường chuẩn bị những món ăn, hoa quả, bánh trái để "giết sâu bọ". Ngày Tết này cũng trở thành một dịp để các thành viên trong gia đình trở về sum họp, gắn kết với nhau.

Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc ngày này, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm, là món không thể thiếu. Người dân ở đây quan niệm rằng, ngày 5/5 Âm lịch là thời điểm thích hợp để loại bỏ các loại ký sinh trong bộ phận tiêu hóa của con người, bằng cách ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp.

Còn ở miền Trung và miền Nam, món ăn đặc trưng trong ngày Tết Đoan Ngọ là món bánh ú lá tre hoặc bánh tro, với nguyên liệu cũng là gạo nếp, đậu xanh và một vài thức khác. Thịt vịt cũng là một thứ không thể thiếu cho ngày lễ này theo truyền thống của người dân địa phương.

Còn tại TP.HCM, lượng vịt quay, lợn quay tiêu thụ trong ngày Tết Đoan Ngọ thường tăng hơn so với ngày thường. Dân gian quan niệm rằng, vịt sẽ bắt đầu béo ngậy, thơm ngon hơn kể từ ngày 5/5 Âm lịch trở đi. Chính vì vậy mà có rất nhiều gia đình mua vịt về ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước