Không có đồ chơi hiện đại, không có bánh trái đắt tiền, chỉ có đoàn múa lân rộn ràng đầu ngõ, những tiếng í ới gọi nhau lên nhà văn hóa xã hay đình làng xem văn nghệ cùng vài chiếc kẹo làm quà cũng đủ làm nên một miền ký ức đẹp của tuổi thơ về Tết Trung thu dân tộc. Trong tiềm thức còn đọng lại, Trung thu là ngày các em nhỏ được cùng nhau cắm trại, ăn mặc đẹp đẽ với áo trắng, quần tối màu, thắt khăn quàng, đội mũ cano để thi Nghi thức Đội, hay xúng xính váy áo và hòa vào những tiết mục văn nghệ đón trăng. Có lẽ, các bạn nhỏ thành phố sẽ thiệt thòi hơn khi không được tận mắt chứng kiến và cảm nhận cái không khí náo nức, vui tươi trong đêm Trung thu, đêm Tết thiếu nhi đúng nghĩa.
Thật đáng mừng, mặc dù xã hội ngày càng phát triển, trẻ em có điều kiện tiếp xúc với nhiều luồng văn hóa khác nhau nhưng tục đón Trung thu cổ truyền từ ngàn xưa tại các vùng nông thôn vẫn được gìn giữ và bảo tồn trong nhiều năm nay. Theo thông lệ, đêm 14 và ngày 15/8 Âm lịch, hầu hết các nhà văn hóa thôn, xã đều tổ chức các điểm vui chơi Trung thu, phá cỗ, rước đèn cho trẻ. Nếu như ở thị thành, nhiều ông bố bà mẹ đem Trung thu về cho con trẻ bằng cách dẫn các em nhỏ đến trung tâm thương mại mua sắm, ngắm phố đèn lồng... thì tại các vùng quê, trẻ em sẽ có một không gian Trung thu đúng nghĩa với đèn ông sao, trại thu cùng mâm cỗ trông trăng tuy giản dị nhưng thấm đậm sắc màu truyền thống.
Niềm rạo rực, mong chờ Trung thu đến của trẻ nông thôn bắt đầu từ ngay những ngày cuối tháng Bảy Âm lịch. Nửa tháng cận Rằm tháng Tám trở đi, không khí chuẩn bị càng diễn ra nhộn nhịp trong tâm trạng vui tươi của nhiều bạn nhỏ. Sau giờ ăn tối, các em lại gọi nhau tới nhà văn hóa tập văn nghệ chuẩn bị cho hội thi thường diễn ra vào đêm 14/8.
Song song với hoạt động luyện tập văn nghệ, các bạn nhỏ còn được làm và trang trí trại cùng các anh chị đoàn viên thanh niên mỗi tối. Cồng trại hầu hết đã có khung sẵn từ trước, được tận dụng qua các năm. Trước dịp Trung thu, cổng trại sẽ được làm mới bằng cách dán giấy, hoa cắt thủ công hay dây kim tuyến, ruy băng nhiều màu sắc.
Không khí Trung thu thực sự bùng nổ và nhộn nhịp từ chiều ngày 14/8 Âm lịch. Theo truyền thống, trại thu của các thôn, xóm sẽ được cắm tập trung tại sân nhà văn hóa xã để tiện cho việc chấm điểm, trao giải diễn ra sáng 15. Cùng với anh chị thanh niên, các bạn nhỏ cũng sẽ tham gia các công đoạn như chuẩn bị ảnh Bác Hồ, lá cờ, sách cặp, đồ dùng học tập hay mâm ngũ quả, đèn ông sao để bày biện trong trại thu của xóm mình.
Trại thu được tập trung để thuận tiện cho việc chấm điểm, trao giải sáng 15/8
Mâm ngũ quả với những loại quả gần gũi, quen thuộc được bày biện trong trại thu
Một vài em nhỏ ngồi trong trại tránh nắng khi trại thu vừa được hoàn thành
Múa lân trước cổng trại
Trung thu đầu tiên cùng bố của bé gái
Tối 14, hoạt động văn hóa văn nghệ sẽ diễn ra sôi nổi tại các trung tâm hay nhà văn hóa xã. Dưới ánh trăng thu, sân khấu như sáng bừng, âm thanh rộn ràng với những ca từ của lứa tuổi thiếu nhi, tiết mục chủ yếu là “cây nhà lá vườn” do chính các bạn thiếu nhi tập luyện từ trước đó, gồm múa, hát, đóng kịch, đọc thơ... Hội diễn văn nghệ là một phần quan trọng trong chuỗi các hoạt động đón Trung thu của nhiều vùng quê, được chuẩn bị ngày càng bài bản.
Sân khấu ngoài trường chật ních khán giả nhí tới cổ vũ cho đội nhà
Các em nhỏ nhí nhảnh, đáng yêu trong trang phục biểu diễn
Sang đến ngày 15/8, các bạn nhỏ cùng nhau thi tập Nghi thức Đội, thi bày mâm ngũ quả và được hòa mình vào trong các trò chơi truyền thống lâu đời như rồng rắn lên mây, bịt mắt đánh trống, kéo co... Tối Trung thu, trẻ em thường tập trung về đơn vị xóm, làng, ăn liên hoan và tham gia nhiều hoạt động đón trăng bổ ích. Hoạt động nổi bật là múa lửa trại và phá cỗ Trung thu, thường được rất nhiều bạn nhỏ mong chờ.
Hoạt động tập Nghi thức Đội không thể thiếu trong chương trình vui Trung thu sáng 15/8 của các bạn nhỏ
Ở nhiều miền quê, Trung thu thực sự trở thành ngày Tết của thiếu nhi, là ngày các em được vui chơi, hòa mình trong nhiều hoạt động bổ ích. Trung thu mang đến cho các em một không gian ý nghĩa và nhiều niềm vui trong sự háo hức mong chờ. Những hoạt động vui Tết Trung thu mang nét truyền thống cho trẻ tại nhiều làng quê òcn được gìn giữ cho tới tận ngày nay đã chứng minh sức sống mãnh liệt của văn hóa nguồn cội.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.