Borobudur là một ngôi đền có niên đại từ thế kỷ thứ 9 và đã được UNESCO xếp hạng là di sản thế giới. Tại đây, hàng trăm vị chư tăng cùng các phật tử đã hội tụ để tụng kinh trong một nghi lễ gọi là "Pradaksina" (lễ Phật Đản). Các phật tử mừng lễ Phật Đản bằng cách cầu nguyện cho việc an lành mưa thuận, gió hòa, được mùa bội thu, đất nước hòa bình và thịnh vượng.
Tại Indonesia, Phật Đản là ngày lễ hội cấp Quốc gia và là ngày nghỉ lễ, vì thế sự kiện này cũng thu hút rất nhiều du khách quốc tế tham dự. Nghi thức thả đèn trời được coi là hoạt động cuối cùng trong ngày Phật Đản. Trước khi thả đèn trời, mọi người sẽ viết ước nguyện của mình dán vào đèn lồng rồi thả lên trời với tâm nguyện lời thỉnh cầu sẽ đến được tới Đức Phật.
Đèn trời hay Thiên đăng còn gọi là đèn Khổng Minh, là loại đèn làm bằng giấy, dùng để thả cho bay lên trời sau khi đốt đèn. Đây là loại đèn truyền thống của các nền văn hóa Đông Á. Đèn do Gia Cát Lượng (tự Khổng Minh) sống ở thời Tam Quốc phát minh ra.