Tình trạng cô lập với xã hội được hiểu là một người có rất ít các mối quan hệ hay thậm chí là sống đơn độc. Mặt khác, tình trạng cô đơn được định nghĩa là cảm giác chủ quan của một người nào đó khi họ cảm thấy đau khổ hoặc không hài lòng về chất lượng của những mối quan hệ xung quanh mình.
Giáo sư khoa học thần kinh Turhan Canli cho biết: “Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn cảm thấy cô đơn, nhưng nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến căng thẳng mãn tính. Từ đó, các hormone gây căng thẳng sẽ khiến cơ thể bị ảnh hưởng xấu”.
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ tử vong ở những người vừa bị cô lập khỏi xã hội vừa mắc các bệnh tim mạch, ung thư vú hay ung thư đại trực tràng cao hơn so với các bệnh nhân chỉ mắc các bệnh này nhưng không bị cô lập xã hội.
Hơn nữa, cảm thấy cô đơn và bị cô lập khỏi xã hội còn khiến chúng ta dễ mắc phải những thói quen xấu như hút thuốc lá, nghiện rượu, ăn uống không dầy đủ dinh dưỡng và ít luyện tập thể thao. Những thói quen xấu này cũng góp phần quan trọng dẫn đến nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch.
Giáo sư Canl chia sẻ thêm, nếu bạn bị cô lập khỏi xã hội và rất ít hoặc thậm chí không tiếp xúc với mọi người xung quanh thì bạn khó có thể nhận biết được các dấu hiệu của bệnh tật từ sớm. Từ đó, những người bị cô lập sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn khi không thể điều trị bệnh kịp thời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!