Năm 2016, các nhà nghiên cứu cho thấy tinh thể “sữa” của loài gián cánh cứng Thái Bình Dương (tên khoa học là Diploptera punctate) có hàm lượng protein cao gấp 3 lần so với sữa bò thông thường. Sanchari Banerjee, một trong những nhà nghiên cứu cho dự án thuộc viện Sinh học tế bào và tế bào gốc Ấn Độ đã trả lời phỏng vấn cho Times of India: “Những tinh thể “sữa” từ loài gián này có đủ thành phần protein, chất béo và tinh bột tương tự như các loại thực phẩm thiết yếu. Thậm chí các chuỗi protein đều chứa các axit amin cần thiết cho con người.”
Cũng theo Banerjee, thời gian giải phóng protein của loại tinh thể này cũng là một ưu điểm lớn khi chúng luôn chế tiết trong quá trình tiêu hóa.
Được biết nhóm các nhà nghiên cứu trên cũng đang nỗ lực sao chép mẫu tinh thể trên trong phòng thí nghiệm và đưa ra sản xuất trong tương lai. Nếu thành công, đây sẽ là lời giải tuyệt vời cho bài toán thiếu hụt thực phẩm ở các nước đang phát triển. Các nhà khoa học khuyến nghị rằng loại thực phẩm đặc biệt này sẽ phù hợp hơn đối với những người đang thiếu hụt dinh dưỡng khi chúng giải phóng một lượng lớn calories trong khoảng thời gian tối thiểu.
Subramanian Ramaswamy, người đứng đầu nghiên cứu giải thích thêm về đối tượng được hướng đến đối với tinh thể sữa: “Chúng rất ổn định và hứa hẹn là nguồn cung dinh dưỡng dồi dào. Nếu bạn đang cần một loại thực phẩm giàu calories và điều tiết nhanh, đây là sự lựa chọn hoàn hảo cho bạn”.
Đối với các đối tượng cần giảm cân hoặc đã quá dư thừa năng lượng từ thực phẩm, Ramaswamy cho rằng họ nên có những lựa chọn khác thay vì loại “sữa” từ loài côn trùng này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!